Thứ Năm, 01/07/2021 13:54

Hỗ trợ doanh nghiệp: Có một cách rất thiết thực!

Có một giải pháp rất thiết thực được thực hiện ở một số nước khi phải thực hiện giãn cách xã hội mà chưa thấy các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam thảo luận đến: đó là chính sách thất nghiệp một phần (partial unemployment).

Muốn chống dịch hiệu quả cao, qua giãn cách xã hội phạm vi rộng, thì phải có hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua doanh nghiệp. Trong ảnh: Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn phải đóng cửa từ 0 giờ ngày 28-6 đến 0 giờ ngày 4-7 để phòng chống dịch. Ảnh: N.K

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến cho nhiều doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng. Chính phủ đang cân nhắc gói hỗ trợ lần 2 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có một số đề xuất trong một báo cáo mới đây về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng tháng đầu năm 2021. Theo người viết, có thể tham khảo một giải pháp rất thiết thực được thực hiện ở một số nước khi phải thực hiện giãn cách xã hội dưới đây.

Thất nghiệp một phần

Thất nghiệp một phần là chính sách mà doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của chính phủ trong trường hợp người lao động không thể đi làm, hoặc làm ít hơn số giờ đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp dịch Covid-19, tình huống này xảy ra khi đơn hàng của doanh nghiệp bị giảm đột ngột, các yêu cầu về y tế buộc phải thực hiện giãn cách nên số lượng người lao động được phép hiện diện ở doanh nghiệp bị giảm, làm việc từ xa, bố mẹ phải ở nhà trông con vì trường học đóng cửa.

Với khó khăn cấp bách trước mắt, cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, qua cách gián tiếp là hỗ trợ doanh nghiệp.

Bởi vì doanh nghiệp cũng không muốn sa thải người lao động, có được hỗ trợ chi phí lương của chính phủ thì doanh nghiệp mới tiếp tục trả được lương cho người lao động.

Mục đích cuối cùng của chính sách thất nghiệp một phần là giữ việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Cơ chế vận hành của chính sách này như thế nào?

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì cắt giảm lao động là giải pháp thường được nghĩ đến, nhưng đi kèm đó là nhiều chi phí không hề nhỏ, từ việc bồi thường cho người lao động đến chi phí tuyển dụng mới trong trường hợp tình hình sản xuất kinh doanh được cải thiện. Chính vì vậy mà một số chính phủ có chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn có thể trả lương cho người lao động để duy trì việc làm.

Và sự hỗ trợ này của chính phủ cũng phải có sự đồng chia sẻ của người lao động và doanh nghiệp. Lấy ví dụ trường hợp của Chính phủ Pháp áp dụng chính sách này khi dịch Covid-19 bùng phát: người lao động trong trường hợp thất nghiệp một phần được nhận khoản 84% lương ròng, còn doanh nghiệp được hỗ trợ tùy theo mức độ bị thiệt hại, nhóm ngành nghề. Có những ngành nghề được hỗ trợ đến 100%, có những ngành nghề doanh nghiệp phải chịu 15% (chi phí lương).

Chi phí lương của doanh nghiệp ở Pháp trung bình là gấp đôi số lương người lao động được nhận. Nếu người lao động có mức lương bỏ túi 2.000 euro/tháng thì chi phí lương của doanh nghiệp là khoảng 4.000 euro/tháng. Trong trường hợp này, nếu người lao động hưởng thất nghiệp một phần thì tiền lương sẽ là 1.680 euro/tháng. Và nếu doanh nghiệp phải gánh chịu 15% chi phí lương thì sẽ là 15%x4.000 = 600 euro. Nghĩa là chính phủ sẽ thay doanh nghiệp trả lương, và đóng các khoản bắt buộc như bảo hiểm xã hội và các khoản đóng góp bắt buộc khác cho người lao động.

Mức độ hỗ trợ và các tiêu chí được hỗ trợ cũng thay đổi hàng tháng tùy theo tình hình dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế. Như hiện nay, Chính phủ Pháp đã có các quy định cho đến hết tháng 9-2021.

Như vậy khi thực hiện chính sách thất nghiệp một phần, doanh nghiệp đã được hỗ trợ một phần lớn gánh nặng về chi phí lương, người lao động thì vẫn tiếp tục có thu nhập để trang trải cuộc sống, mà điều này là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế vì nhu cầu chi tiêu không thể bị gián đoạn.

Có áp dụng được cho Việt Nam?

Việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 ở Việt Nam chỉ thực hiện ở một số tỉnh thành, cho nên nếu cân nhắc chính sách hỗ trợ thất nghiệp một phần thì không phải là hỗ trợ toàn bộ các doanh nghiệp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau nên mức độ bị ảnh hưởng cũng khác nhau, mức độ hỗ trợ cũng sẽ khác.

Chính phủ đã có các chính sách như tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm hay hoãn một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, với khó khăn cấp bách trước mắt, cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, qua cách gián tiếp là hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp cũng không muốn sa thải người lao động, có được hỗ trợ chi phí lương của chính phủ thì doanh nghiệp mới tiếp tục trả được lương cho người lao động.

Theo các kế hoạch hỗ trợ đã được công bố thì so với nhiều nước khác, ngân sách hỗ trợ tính theo phần trăm GDP của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Mà xét về nguồn để hỗ trợ thì Việt Nam cũng không hề thiếu nếu rà soát kỹ lại các nguồn.

Một số phân tích mới đây cho thấy rất khó để Chính phủ có thể thực hiện được mục tiêu kép là vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch an toàn, hiệu quả. Bởi vì nếu muốn chống dịch hiệu quả cao, qua giãn cách xã hội phạm vi rộng, thì phải có hỗ trợ trực tiếp cho người dân, ở đây là người lao động với tiền tươi thóc thật. Còn nếu không hỗ trợ được, giãn cách xã hội ở mức tối thiểu để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải chấp nhận một tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, thậm chí thiệt hại lớn hơn về nhân mạng.

Trong một xã hội hiện đại, xã hội của tiêu dùng thì việc làm và thu nhập của người lao động là cốt lõi để nền kinh tế vận hành. Không có thu nhập thì không thể có tiêu dùng, kể cả tín dụng tiêu dùng. Mà khủng hoảng cầu sẽ kéo theo khủng hoảng cung, như trường hợp ngành dịch vụ ăn uống ở một số nước phát triển: sau một thời gian đóng cửa, lao động trong ngành này đã bỏ hoặc chuyển nghề, khi mở cửa trở lại các doanh nghiệp này không tìm được lao động, lương đã tăng nhưng vẫn không thể tìm đủ người. Trong ngắn hạn, giá cả sẽ tăng do cung không đủ cầu, mà mặt bằng giá tăng nếu lây qua các ngành khác, cũng sẽ là một vấn đề hóc búa khác cho các nhà hoạch định chính sách.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá vé máy bay nội địa về mức sàn 1 triệu đồng từ đầu tháng 9 (01/07/2021)

>   Khẩn cấp tiếp tục giãn, giảm thuế, không đề xuất sắc thuế mới để 'cứu' doanh nghiệp (01/07/2021)

>   Sản xuất sụt giảm, ngành mía đường ngày càng lao đao (01/07/2021)

>   Chuyển vụ sai phạm tại Saigon Co.op cho công an điều tra (01/07/2021)

>   Tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan (30/06/2021)

>   Kinh tế TPHCM tăng trưởng ra sao nửa đầu năm 2021? (30/06/2021)

>   Chặn đà 'bành trướng' hàng Trung Quốc, EU đánh thuế VAT hàng nhập từ nước thứ 3 (30/06/2021)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19, TP.HCM lùi ngày thu phí cảng biển (30/06/2021)

>   Ngân hàng Thế giới duyệt hai dự án hơn 320 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch (30/06/2021)

>   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 2,463.8 ngàn tỷ đồng (29/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật