Kinh tế TPHCM tăng trưởng ra sao nửa đầu năm 2021?
Tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,46%, cao hơn mức ước tăng trưởng 1,02% của cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê TPHCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố, cho thấy, dù bị tác động nặng bởi dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn ổn định.
Ngành dịch vụ dẫn đầu
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán và tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 138.366 tỷ đồng (bằng 55,7% dự toán), tăng 19%. Thu từ dầu thô là 6.807 tỷ đồng (bằng 79,6% dự toán), tăng 6,8%; hoạt động xuất nhập khẩu thu 60.200 tỷ đồng (bằng 55,7% dự toán), tăng gần 25% so với cùng kỳ...
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề. Nhưng, nhờ vào sự phát triển của khu vực thương mại dịch vụ đã giúp kéo lại điểm số cho sự tăng trưởng.
Hoạt động thương mại, bán lẻ trên địa bàn TPHCM 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng cao. Ảnh: Zing
|
Cụ thể, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng đến 5,86% (cùng kỳ năm trước tăng 0,67%). Trong đó, 3 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng lớn gồm: thương nghiệp tăng 6,01% so với cùng kỳ; vận tải kho bãi tăng 5,73%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,22%.
Bên cạnh đó, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm hơn 58% trong GRDP và 91,3% trong khu vực dịch vụ.
Mặc dù ngành công nghiệp đóng góp chỉ 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của kinh tế TP, nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng 4,16%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy ngành công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục. Riêng ngành xây dựng tăng trưởng chỉ 0,98%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,17%) vì các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng.
Cùng đó, hoạt động thương mại, bán lẻ đạt tăng trưởng cao. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Vốn đổ vào nền kinh tế tăng mạnh
6 tháng đầu năm, toàn thành phố có 18.441 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 310.988 tỷ đồng. Tuy về số lượng chỉ tăng 3,8% nhưng về vốn đăng ký tăng đến 39,2%.
9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao, lên đến 13.513 doanh nghiệp (chiếm 73,2%) và số vốn đăng ký đạt 197.764 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
May xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG
|
Ngược lại, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhìn chung giảm. 6 tháng thu hút được 262 dự án mới với tổng vốn đăng ký, đạt 264,4 triệu USD. Có 75 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn 475,3 triệu USD... Tổng cộng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 1,426 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước đạt 185.975 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 6% (cùng kỳ năm trước giảm 10,1%) và bằng 27,3% GRDP, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 23.850 tỷ đồng, khu vực ngoài Nhà nước đạt 135.359 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 26.766 tỷ đồng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, dù đã nửa năm nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 25% kế hoạch vốn giao (cùng kỳ năm trước đạt 22%), tương đương 9.090 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra là trên 50%.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) 6 tháng ước đạt 20.344 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,7 tỉ USD (chiếm 38,1%); nhóm hàng hóa khác đạt 3,6 tỉ USD (chiếm 17,9%); thứ 3 là hàng dệt may đạt 1,6 tỉ USD (chiếm 8,1%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,13 tỉ USD (chiếm 5,5%); hàng giày dép đạt 1,1 tỉ USD (chiếm 5,4%).
|
Hàn Ni
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|