Tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,1%
Theo các nhà nghiên cứu Trường đại học Thương mại, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng. Dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, có thấp cũng là 5,5%.
Theo các nhà nghiên cứu Trường đại học Thương mại, dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%. Ảnh: Quý Hiên
|
Hôm nay, 12.7, Trường đại học Thương mại tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và thương mại Việt Nam với chủ đề chuyên sâu về “Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Đây là năm thứ 3, các nhà khoa học của Trường đại học Thương mại, do GS Đinh Văn Sơn chủ trì, thực hiện báo cáo này.
Giới khoa học nghiên cứu về kinh tế đánh giá, báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Đặc biệt, đây là tài liệu tham khảo rất tốt cho sinh viên, học viên các trường đại học đào tạo nhóm ngành lĩnh vực kinh tế.
Quang cảnh hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế thương mại Việt Nam 2020. Ảnh: Lâm Dũng
|
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - luật, Trường đại học Thương mại, nhận định dịch Covid-19 trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Năm 2020 là năm ghi nhận hàng chục nền kinh tế trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái, như: Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Ý, Đức, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia…
Ở Việt Nam, nhờ chủ trương đúng đắn là thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước, nên về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh tốt, đồng thời phục hồi và phát triển tốt về kinh tế - xã hội.
Năm 2020, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức độ thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt 3,23%. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,91%, trong đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%; ngành dịch vụ tăng 2,34%.
Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo chiều hướng tích cực, trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao.
“Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020”, PGS Hà Văn Sự cho biết.
Trên cơ sở dự báo diễn biến đại dịch Covid-19, cũng như xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dự báo về kinh tế, thương mại và một số khuyến nghị chính sách áp dụng cho Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo đó, nhóm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như sau, với kịch bản cơ sở (nếu kinh tế thế giới phục hồi và đại dịch Covid-19 dần được khống chế), tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4,0%.
Với kịch bản này, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ đó kinh tế trong nước sản xuất dần được phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng mức 7%. Đóng góp của FDI dự kiến tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Với kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%. Tuy nhiên, đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra hơn.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các giải pháp nhà nước cần tập trung là kiểm soát và giảm thiểu tác động từ Covid-19 tạo ra, thực thi chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, áp dụng công cụ thuế, đầu tư công, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, kinh tế số, ngành chế biến chế tạo, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng.
Với kiểm soát Covid-19, cần triển khai bản đồ chung sống an toàn Covid-19, thúc đẩy thương mại điện tử, hoàn thiện chính sách thương mại hàng hóa, tăng cường xúc tiến xuất khẩu và kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu và cán cân thương mại, chống gian lận xuất xứ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Quý Hiên
Thanh niên
|