Chủ Nhật, 11/07/2021 17:02

Làm gì để thúc đẩy tăng trưởng sáu tháng cuối năm?

Việc tăng trưởng bị chững lại do dịch Covid-19 là điều bất khả kháng, buộc Chính phủ phải có sự linh hoạt và ứng phó tốt hơn về mặt chính sách trong sáu tháng cuối năm nay nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% đã đề ra.

TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước đã thực hiện chiến dịch tiêm vaccin lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: N.K

Tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng

Sau khi đạt được những thành tựu về tăng trưởng trong năm 2020 nhờ kiểm soát dịch Covid-19 khá thành công, Việt Nam bước vào năm 2021 với kỳ vọng GDP sẽ hồi phục mạnh trở lại, đạt mức tăng tương tự như thời điểm trước khi có dịch. Tuy vậy, làn sóng Covid-19 thứ tư đã quay trở lại trên diện rộng, đặc biệt diễn ra ở nhiều tỉnh, thành là trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh… và đặc biệt tại đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là TPHCM đã khiến cho đà tăng trưởng có phần bị chững lại, không đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) riêng quí 2-2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quí 2-2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quí 2 các năm 2018 và 2019. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn đáng kể tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Chính sách tài khóa và tiền tệ lại một lần cần được Chính phủ vận dụng linh hoạt theo hướng nâng đỡ, hỗ trợ cho nền kinh tế, nhất là đối với những đối tượng bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch.

Về cơ cấu, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt được mức tăng khá tích cực (+3,82%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ (vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất) tăng 3,96%.

Dù mức tăng của khu vực dịch vụ đã hồi phục mạnh so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mới chỉ bằng hơn một nửa so với mức tăng của các năm trước khi có dịch. Việc dịch Covid-19 bùng phát ở đầu tàu kinh tế dịch vụ của cả nước là TPHCM đã ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng của lĩnh vực này.

Xét về phía cầu tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm đạt 2,46 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng chỉ còn 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%). Mức tăng 3,55% như trên cũng là rất khiêm tốn nếu so với mặt bằng tăng 8-10% như trước khi có dịch.

Trong khi GDP chưa lấy lại được đà tăng trưởng thì lạm phát lại dần được kiểm soát về cuối quí 2. Sau mức tăng mạnh đột biến 1,52% vào tháng 2-2021, kể từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6, lạm phát đã dần hạ nhiệt với mức tăng, giảm xen kẽ. Theo đó, tính bình quân sáu tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì lạm phát cuối tháng 6 tăng 2,67%.

Một số mặt hàng tăng giá, tác động mạnh đến CPI sáu tháng đầu năm là giá xăng dầu (tăng 17%, khiến CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm); giá gas (tăng 16,5%, khiến CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm); giá dịch vụ giáo dục (tăng 4,47% do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, khiến CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm). Ở chiều ngược lại, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI) lại giảm 0,13% nhờ nguồn cung lương thực dồi dào cũng như sức cầu tiêu dùng không thật sự mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chính sách gì trong sáu tháng cuối năm?

Việc tăng trưởng bị chững lại do dịch Covid-19 là điều bất khả kháng, buộc Chính phủ phải có sự linh hoạt và ứng phó tốt hơn về mặt chính sách trong sáu tháng cuối năm nay nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% đã đề ra. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ở kịch bản thứ nhất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quí 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quí 4 cần tăng 6,5%. Ở kịch bản thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quí 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quí 4 cần đạt 7,5%.

Dù là kịch bản nào thì điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay vẫn phải là kiểm soát được dịch bệnh với tổn thất kinh tế ở mức thấp nhất. Theo đó, chiến dịch bao phủ vaccin nhằm đạt tỷ lệ người được tiêm càng nhiều càng tốt nên được đặt lên hàng đầu. Song song với thời gian chờ vaccin phủ sóng, việc kiểm soát dịch bệnh nên được khoanh vùng tới mức tối thiểu, tránh sự đứt gãy về mặt kinh tế nhiều nhất có thể.

Các chính sách tài khóa cũng nên được thiết kế theo hướng tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, như các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động thu nhập thấp, người bị mất việc làm, các lao động tự do. Việc giải ngân những gói chính sách này cũng cần rút kinh nghiệm của gói 62.000 tỉ đồng trong năm ngoái sao cho tốc độ giải ngân nhanh và phải “trúng” đối tượng cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục duy trì các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải quyết liệt hơn nữa. Khi đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng co hẹp lại do tình hình dịch bệnh, Nhà nước càng cần thể hiện vai trò “kích cầu” chủ động của mình. Sáu tháng đầu năm nay, chi cho đầu tư phát triển mới đạt 134.000 tỉ đồng, bằng 28% dự toán - một tỷ lệ khá thấp.

Về chính sách tiền tệ, định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn là điều hành linh hoạt các công cụ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch Covid-19. Với tình hình lạm phát chưa quá căng thẳng, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì các loại lãi suất điều hành ở mức thấp như hiện nay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện vẫn ở mức thấp 4,5%/năm. Việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống có thể sẽ được NHNN linh hoạt qua công cụ mua ngoại tệ có kỳ hạn (sáu tháng). Ngoài ra, việc áp dụng Thông tư 03 (thay thế cho Thông tư 01 hết hạn trước đó) nhằm cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn cũng là một biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, qua đó giảm áp lực tăng đối với lãi suất.

Tựu trung lại, với những khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TPHCM, “cỗ xe” tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian còn lại của năm 2021. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa và tiền tệ lại một lần cần được Chính phủ vận dụng linh hoạt theo hướng nâng đỡ, hỗ trợ cho nền kinh tế, nhất là đối với những đối tượng bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch. 

Linh Trang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM chống dịch (08/07/2021)

>   Những tháng cuối năm, cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn (08/07/2021)

>   Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 (08/07/2021)

>   HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6.1% (08/07/2021)

>   Thủ tướng ra Công điện yêu cầu TPHCM tăng cường các biện pháp để kiểm soát dịch (07/07/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để kiểm soát được dịch tại TPHCM (06/07/2021)

>   Ai đem lại sự 'bình thường' cho nền kinh tế? (06/07/2021)

>   Biến thể của virus, biến thể nền kinh tế (05/07/2021)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2021: Làm gì trên '6 bậc thang' còn lại? (05/07/2021)

>   Không chủ quan trong kiểm soát lạm phát (03/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật