Không chủ quan trong kiểm soát lạm phát
Diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy khả năng kiểm soát chỉ số giá (CPI) cả năm dưới 4% như mục tiêu đề ra là trong tầm tay. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tình trạng lạm phát thấp hiện nay một phần do tổng cầu yếu, ngoài ra hiệu quả của quản lý thị trường chưa cao cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/HT.
|
Đây là các ý kiến được trao đổi tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 2/7.
Nhiều yếu tố giảm áp lực tăng giá
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong các năm từ năm 2016 đến nay. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, một số yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá trong 6 tháng qua là giá một số nguyên, nhiên vật liệu có xu hướng tăng cao như xăng, dầu, thép, vật liệu xây dựng, vật tư nông thôn. Ngoài ra, giá một số mặt hàng nông sản như gạo, đường... tăng.
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh ổn định; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân, việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá Thêm vào đó, các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt đã giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, phân tích: Trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2020 sẽ ở mức 4,71%, còn lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
Phân tích thực trạng lạm phát thấp hiện nay và cả năm 2021, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng một phần nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Theo TCTK, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, tức là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Hơn nữa, chỉ số này của năm 2020 đã giảm tới 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua.
“Các con số này cho thấy sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Cần mạnh tay ngăn chặn thao túng giá, "té nước theo mưa"
Nghiên cứu diễn biến CPI, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã phân tích sâu về giá cả và một số vấn đề phân phối và quản lý thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng, 1 kg sườn non ở siêu thị có giá hơn 287.000 đồng, trong khi ở ngoài chỉ có 160.000 đồng
“Vẫn có những thời điểm, một số mặt hàng có giá vô lý, thịt lợn là một ví dụ. Có thời điểm giá thịt lợn tại chuồng xuống 60.000-65.000 đồng/kg, nhưng giá thịt trong siêu thị vẫn rất cao. Đây là sự thất bại tạm thời của hệ thông phân phối. Người trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt được hưởng lợi ít, trong khi người tiêu dùng ở thành phố phải bỏ chi phí khá cao…”.
Hay như do dịch COVID-19, việc bán hàng online tăng mạnh nhưng đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cần xem lại việc trên nhiều nền tảng bán hàng online, khách hàng không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
“Bán hàng như thế liệu có thể coi là vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không, nhưng Bộ Công Thương cũng không có ý kiến gì…”, ông Vũ Vinh Phú băn khoăn.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng đồng quan điểm về khả năng kiểm soát lạm phát như mục tiêu dưới 4%, nhưng các cơ quan quản lý phải giải được bài toán về hiệu quả quản lý thị trường.
Nêu quan điểm thận trọng về lạm phát, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Dù tình hình lạm phát bình quân nửa đầu năm khá thấp nhưng không thể chủ quan trong điều hành giá. Ông Ngô Trí Long phân tích, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, ví dụ như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến khó lường có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.
Giới chuyên gia cho rằng, trên thị trường có nhiều yếu tố khó đoán định, chẳng hạn như tình hình địa chính trị thế giới hay công tác chống dịch đang có những khó khăn dẫn đến một số diễn biến trái chiều và phức tạp ở từng khu vực... Tất cả đều có thể tác động đến công tác điều hành giá.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, mục tiêu khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ, trong thời gian còn lại của năm 2021, Chính phủ đang chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành giá bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4%.
Với chức năng được giao, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới. Từ đó, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh. Điều này là để có các biện pháp cân đối cung-cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh.
Từ nay đến cuối năm, các cơ quan quản lý cần phối hợp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động "té nước theo mưa” để trục lợi; tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, có các giải pháp điều tiết, tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.
“Việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền tảng cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022”, đại diện Cục Quản lý giá phân tích.
Huy Thắng
Báo Chính phủ
|