Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 5.47%
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/06/2021 đạt 5.47% so với cuối năm 2020.
Tổng Cục Thống kê đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/06/2021 đạt 5.47% so với cuối năm 2020.
Tính đến thời điểm 21/06/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3.48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4.59%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3.13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4.35%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5.47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2.45%).
So với thời điểm cuối năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm 2020.
Lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam ở mức 0.1%-0.2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3.1% - 3.8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4.0% - 5.9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5.6% - 6.7%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4.5%/năm; cho vay bằng đô la Mỹ bình quân ở mức 3.0%-6.0%/năm.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.
Khang Di
FILI
|