Lãi vay vẫn chỉ giảm từ từ
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và sự sốt ruột của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp, người dân nhưng tình trạng này diễn ra khá chậm.
Doanh nghiệp vẫn mong được hỗ trợ giảm lãi, giãn nợ trong giai đoạn hiện nay. ẢNH: KHẢ HÒA
|
Nơi giảm nơi không
Bà B.T.Hoa (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), chủ một hộ kinh doanh, cho hay hợp đồng vay 1 tỉ đồng tại một ngân hàng (NH) cách đây hơn 1 tháng được đáo hạn với lãi suất (LS) vay ưu đãi cho 3 tháng đầu tiên là 7,05%, giảm nhẹ so với mức 7,1% so với cuối 2020.
Tương tự, LS 3 tháng sau đó theo thông báo là 8,5%, thấp hơn mức 9,3% của kỳ vay trước đó. Còn nếu so với LS đầu năm 2020 thì lãi vay của bà Hoa sau thời gian ưu đãi đã thấp hơn 1%/năm. Mặc dù mức giảm không phải quá nhiều nhưng theo bà Hoa thì “có còn hơn không, nhất là khi dịch bệnh phức tạp và hơn 1 tháng qua phải ngừng kinh doanh, không bán được hàng”.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Thiên Bút, cũng cho biết vừa rồi Agribank giảm LS cho vay 0,7%/năm, xuống còn 6,5%/năm cho khoản vay ngắn hạn dùng cho thanh toán quốc tế. Ngoài ra, LS vay kỳ hạn ngắn của doanh nghiệp (DN) ở một số NH khác đang ở mức 7 - 7,5%/năm. Tuy nhiên, đợt này dịch Covid-19 bùng phát khá nặng ở TP.HCM nên doanh thu bán hàng giảm 90% so với trước khi các trường học, công ty thức ăn công nghiệp, chợ dân sinh... phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy DN đã có công văn xin NH giảm, giãn nợ nhưng chưa nhận được hồi âm.
Nhưng không phải khách hàng nào cũng được giảm LS như vậy. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết do công ty chuyên hoạt động xuất nhập khẩu, nên được vay vốn từ NH với LS ưu đãi hơn. Từ đầu năm nay, LS công ty này phải trả dao động từ 5,5 - 6,5%/năm và hiện vẫn duy trì ở mức này.
Tương tự, bà N.T.H.H, Giám đốc Công ty du lịch B.S.T, thông tin các khoản vay của DN hiện trung bình từ 5,9 - 6,5%/năm đối với hợp đồng vay ngắn hạn và chưa thay đổi từ đầu năm đến nay. Mức LS này cũng tạm chấp nhận nhưng bà đang lo lắng vì dịch Covid-19 tại TP.HCM phức tạp nên DN du lịch còn sống sót vẫn đang hết sức khó khăn, đặc biệt là dòng tiền. Đến tháng 8, một hợp đồng vay lớn của DN sẽ đến kỳ đáo hạn mà tình hình này khả năng dòng tiền về yếu thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Đó là chưa kể không biết LS khi đó sẽ thế nào? Nếu không được giảm mà còn tăng thì DN chỉ còn cách phải đóng cửa. Thời gian qua, để hạn chế dùng vốn vay NH, các chủ sở hữu công ty đã bỏ thêm vốn vào để duy trì hoạt động. Bà vẫn mong NH xem xét để hỗ trợ hơn nữa cho các DN giai đoạn hiện nay.
Riêng với LS vay cá nhân thì hầu như không thay đổi. Tại NH S. ở TP.HCM, nhân viên tín dụng cho hay nếu cá nhân vay mua nhà thì được ưu đãi LS trong năm đầu tiên là 10,5% và từ năm thứ 2 trở đi sẽ lấy theo LS kỳ hạn 13 tháng của NH công bố và cộng thêm biên độ 4% (như hiện nay là sẽ hơn 11%/năm).
Vẫn cần ngân hàng giảm tiếp lãi vay
Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các NH cần chủ động đánh giá thiệt hại, khó khăn và đề xuất, kiến nghị cũng như tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng Covid-19 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng vẫn có cơ sở để các NH xem xét giảm thêm LS. Đó là hàng loạt NH đều có lợi nhuận tăng mạnh trong quý 1/2021. Hơn nữa, khách hàng DN là những đối tác dài hạn và đồng hành cùng phát triển với NH. Trong quá trình đó, nếu DN gặp khó khăn và không trả được nợ thì bản thân các nhà băng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, việc xem xét giảm LS hay cần nhất là giãn nợ cho những DN khó khăn cũng là cách để NH tự bảo vệ mình.
“Quản trị NH, quản trị rủi ro nên nhìn dài hạn hơn. Thay vì lo siết nợ những DN khó khăn thì có thể giảm, giãn nợ để DN có điều kiện phục hồi. Tôi nghĩ rằng đó cũng là điều mà các DN cần nhất”, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Báo cáo từ NHNN cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, mặt bằng LS huy động và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12.2020. LS cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3 - 6%/năm. Tính đến ngày 31.5, các NH cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ LS cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,277 triệu tỉ đồng.
|
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), nhấn mạnh rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, kinh tế của VN và nhiều nước suy thoái, tiêu dùng giảm, sản xuất giảm và số lượng DN khó khăn, phá sản gia tăng. Hiện nhu cầu vay vốn của nền kinh tế xuống thấp vì DN không dám mở rộng kinh doanh, đầu tư sản xuất. Trong khi đó, LS thể hiện nhu cầu về vốn trong nền kinh tế nhưng khi cầu sụt giảm mạnh mà LS chỉ giảm ít và NH vẫn lãi lớn là một nghịch lý theo nguyên tắc thị trường. Các NH đều công bố đã giảm LS cho vay nhưng chính bản thân NHNN luôn kêu gọi xem xét tiếp tục giảm nữa. Điều này cho thấy mức giảm chưa đủ để hỗ trợ các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vì vậy, các NH cần chia sẻ khó khăn chung với DN, với nền kinh tế như giãn nợ, giảm mạnh LS cho những hợp đồng vay cũ trước đây.
Thanh Xuân
Thanh niên
|