Đề xuất Ngân hàng giãn nợ, hỗ trợ khoản vay không lãi suất
Sau hơn 3 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 42 đã giúp ngành ngân hàng giải quyết cơ bản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 1,8%. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát lần 4, “bóng ma” nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại, đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) vào nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí trắng tay.
* Đề xuất ra luật về xử lý nợ xấu
Toàn cảnh toạ đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng DN” tại trụ sở Báo Tiền phong sáng 23/6. Ảnh: Như Ý
|
Sớm thành lập sàn giao dịch nợ xấu
Ngày 23/6, tại trụ sở, báo Tiền Phong phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng DN”. Phát biểu khai mạc, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận định, nợ xấu là hiện tượng không thể tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào. Do đó, giải pháp để giải quyết nợ xấu là vấn đề rất quan trọng.
"Đối với hệ thống tín dụng của nước ta, vấn đề nợ xấu từng rất trầm trọng, đặt ra bài toán nan giải cho Nhà nước. Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, tạo hành lang pháp lý cho các TCTD, cùng với sự cố gắng của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, chúng ta đã có những cố gắng rất lớn trong giải quyết nợ xấu”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, những nỗ lực này góp phần làm lành mạnh cho sức khỏe của các TCTD, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 càn quét nền kinh tế một thời gian, để lại nhiều khó khăn cho DN: dòng tiền suy yếu, đứt đoạn, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 cho thấy, “virus” nợ xấu đã hoàn tất việc thâm nhập vào “cơ thể” DN, đẩy nhiều DN vào nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí trắng tay.
NQ 42: mỗi tháng xử lý được 8.000 tỷ nợ xấu
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Tới nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả trước đó. Trong đó, nợ xấu nội bảng là 54%, nợ ngoại bảng là 24%, và nợ bán cho VAMC chiếm 22%. Số tiền khách hàng tự nguyện trả nợ là 150 nghìn tỷ đồng, tăng 2 lần thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, từ 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Hiện, 21 TCTD đã tất toán dư nợ cho VAMC.
"Chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ”, ông Thắng cho biết.
COVID khiến nợ xấu “bủa vây” DN
Phát biểu tại toạ đàm, đại diện các DN, hiệp hội DN đánh giá, Nghị quyết 42 đã giúp DN tái cơ cấu tài chính, giảm nợ, lùi thời điểm thu nợ, giảm thuế, phí rất chính đáng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn bủa vây DN khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP Hà Nội chia sẻ, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của DN nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Nhóm này chiếm 98% trong tổng số DN đang hoạt động, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Bà Ngân đánh giá, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất là rất khó. Tài sản thế chấp vẫn là vấn đề lớn, chỉ dùng để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn rồi đi vay rất khó. DN phải có sức mới có thể chống chọi được trong tình hình hiện nay. Theo đó, Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP Hà Nội đề xuất ngân hàng giãn nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi, đặc biệt trong những tháng DN bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa thì chia sẻ, các DN du lịch đang bên bờ vực phá sản, khi 95% khách sạn tại Nha Trang đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Trước khi có dịch, Nha Trang đón trung bình 17 triệu lượt khách/ năm. "Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho DN ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không có lãi. Đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các DN thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất. Với tình hình hiện tại, du lịch không có khách, doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ", ông Vinh nói.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20-30%, lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. "Dịch bệnh như trời định, không biết bao giờ mới kết thúc. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ DN. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.
Việt Linh - Dương Hưng
Tiền phong
|