Đề xuất ra luật về xử lý nợ xấu
Theo các chuyên gia, để Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả hơn nữa, Quốc hội nên xem xét việc kéo dài hiệu lực của nghị quyết, có thể nâng lên thành luật. Thực hiện Nghị quyết 42, tính đến ngày 30/4, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với trước đó.
Trao đổi tại toạ đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”, do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm nay (23/6), chuyên gia cho rằng, cần thiết phải luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng
|
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với trước đó.
Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng. Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong Quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức
|
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, Thông tư 01 và Thông tư 03 có mục tiêu hỗ trợ là cần thiết, tác dụng trợ giúp tốt, rất cần phải giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, tác dụng không chỉ cho phía doanh nghiệp, mà đồng thời cho cả ngân hàng, rộng ra là nền kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, xử lý như hai Thông tư thì có nguy cơ gây nhầm lẫn, chủ quan, đánh giá không đúng bản chất, tính chất của nợ xấu, dẫn đến nguy cơ rất lớn cả về chất lượng tín dụng trong tương lai gần cũng như ý thức tuân thủ pháp luật. Từ đó, dễ đến nguy cơ xoá mất thành quả, công sức nhiều năm yêu cầu thực hiện phân loại nợ đúng; thực hiện đúng về tích lập và sử dụng dự phòng, đánh giá đúng chất lượng tín dụng, xác định đúng tình trạng rủi ro.
“Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn", Luật sư Trương Thanh Đức.
|
Về Nghị quyết 42, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất cần sửa đổi, triển khai, hiện thực hoá thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42 và 03 cho các khoản nợ xấu cho vay từ 15/8/2017 các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2022. Ngoài ra, cần tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42.
TS. Cấn Văn Lực
|
Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai theo chức năng – nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.
Ông Lực cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu
"Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Lực kiến nghị.
Việt Linh
Tiền phong
|