Vì đâu nhập siêu trở lại?
Sau khi xuất siêu trong quý 1 đầu năm nay, quý 2 chứng kiến Việt Nam bất ngờ nhập siêu cao trở lại với 3 tháng nhập siêu liên tiếp lên đến 3.5 tỉ USD, trong đó riêng tháng 5 và tháng 6 vừa qua đã nhập siêu tương ứng là hơn 2 tỉ USD và 1 tỉ USD. Diễn biến này đang mang đến không ít lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam.
Xuất khẩu bị ảnh hưởng
Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng 28.4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 157.63 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40.89 tỉ USD, tăng 16.8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 116.74 tỉ USD, tăng 33%, nhưng có thể thấy đã có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Đầu tiên là tình trạng thiếu container vẫn tồn tại suốt từ cuối năm ngoái cho đến nay nên việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, cộng thêm giá cước vận tải biển, chi phí đầu vào như logistic cũng đã tăng mạnh thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp bị hạn chế về lượng hàng xuất đi nước ngoài, nhất là khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến thị trường Mỹ và các nước châu Âu vốn luôn phụ thuộc vào vận tải đường biển.
Đáng lưu ý là chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn ít nhiều đang bị gián đoạn, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, dù một số nước phát triển đã đạt được những kết quả khả quan từ chương trình tiêm chủng vaccine cho toàn dân. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam thời gian qua liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm, cũng ảnh hưởng lên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này.
Các đợt bùng phát dịch bệnh từ đầu năm đến nay, đặc biệt là đợt bùng phát lần 4 mạnh nhất kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp, đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, nhất là tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và xuất khẩu, cộng thêm việc các đầu tàu kinh tế, trung tâm xuất khẩu như thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến sự lây lan dịch bệnh nặng nề làm ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhóm doanh nghiệp FDI. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong tháng 6 đạt 18.9 tỉ USD, giảm 1% so với tháng trước, tiếp nối mức giảm 2.4% của tháng 5. Với số liệu xuất siêu từ trước đến nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI, nên chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu là điều tất yếu.
Ở góc độ tỷ giá, xu hướng tiền đồng tăng giá trở lại so với đô la Mỹ nói riêng và các đồng bản tệ của các đối thủ xuất khẩu hàng hóa cạnh tranh khác nói chung từ đầu tháng 4 cũng ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, khiến hàng từ Việt Nam xuất vào các thị trường này cũng ít nhiều mất đi lợi thế cạnh tranh. Tính đến ngày 30/6, trong khi tỷ giá trung tâm USD/VNĐ chỉ còn tăng vỏn vẹn 0.2% so với đầu năm, thì giá mua bán đô la Mỹ ở các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do đều đang thấp hơn so với đầu năm tương ứng 0.5% và 0.3%.
Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh
Tuy nhiên, sự tăng giá của tiền đồng so với đô la Mỹ chưa là gì so với đà tăng vọt của đồng nhân dân tệ trong thời gian qua. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, đồng nhân dân tê đã tăng giá 2% so với đô la Mỹ, thậm chí có lúc lên tới hơn 3% vào thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6. Dù diễn biến này cũng làm hàng hóa Trung Quốc giảm bớt lợi thế cạnh tranh, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nên đồng nhân dân tệ tăng giá khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này cũng chịu áp lực gia tăng.
Thống kê cho thấy trong con số 159.1 tỉ USD tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, tăng hơn 36.1% so với cùng kỳ, thì riêng giá trị nhập khẩu từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã lên tới 53.4 tỉ USD, chiếm tỷ trọng gần 34% và cũng tăng vọt 53% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng vượt trội hơn so với các đối tác nhập khẩu lớn kế tiếp, như Hàn Quốc đạt 25.2 tỉ USD, tăng 21.1%. Thị trường ASEAN đạt 20.9 tỉ USD, tăng 47.7%. Nhật Bản đạt 10.6 tỉ USD, tăng 12.3%. Thị trường EU đạt 8.1 tỉ USD, tăng 16.3% và Hoa Kỳ đạt 7.7 tỉ USD, tăng 9.5%.
Yếu tố thứ hai là áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Chỉ số giá hàng hóa thế giới của Reuters (CRB) đã tăng đến 26% so với đầu năm và tăng gấp đôi từ mức đáy 112 hồi tháng 4 năm ngoái.
Hệ quả là kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu 6 tháng qua của Việt Nam tăng đến 40.2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 77.35 tỉ USD. Trong đó một số mặt hàng tăng khá mạnh như cao su tăng 140%, hóa chất tăng 62%, chất dẻo và kim loại đều tăng 56%, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 47%, sắt thép tăng 40%, xăng dầu tăng 34%,..Đáng lo ngại là một số mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam từ trước đến nay như các mặt hàng nông sản cũng bất ngờ chứng kiến nhập siêu trở lại.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149.32 tỉ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỉ USD, tăng 33%. Cần biết rằng việc nhập siêu xuất phát từ hoạt động nhập khẩu các tư liệu sản xuất như máy móc, hay nguyên vật liệu thì không đến mức phải quá lo ngại vì nó sẽ tạo tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau.
Tuy nhiên, thực tế nhóm các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cũng chứng kiến nhập siêu tăng vọt trong nửa đầu năm nay. Đơn cử như ở mặt hàng ô tô, kim ngạch nhập khẩu của sản phẩm này tăng mạnh 85% so với cùng kỳ, lên gần 4.5 tỉ USD, trong đó nhập ô tô nguyên chiếc tăng 105% tính theo số lượng xe và tăng 111% tính theo giá trị. Sản phẩm điện thoại và linh kiện cũng tăng 47% so với cùng kỳ.
Việc nhập khẩu các mặt hàng này chẳng những không có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế mà ngược lại còn có thể tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Nhưng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục như hiện nay, lãi suất cho vay trong nền kinh tế đã giảm đáng kể trong vòng hơn 1 năm qua, nhiều ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đã kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm như ô tô, điện thoại tăng mạnh cũng không có gì lạ.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu 6 tháng qua của Việt Nam tăng đến 40.2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 77.35 tỉ USD. Trong đó một số mặt hàng tăng khá mạnh như cao su tăng 140%, hóa chất tăng 62%, chất dẻo và kim loại đều tăng 56%, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 47%, sắt thép tăng 40%, xăng dầu tăng 34%,..
|
Việt Nam đã có đến 5 tháng ghi nhận nhập siêu trong 8 tháng gần đây
|
Phan Thụy
FILI
|