Không ít người ngần ngại tiêm vaccine trước những thông tin về tác dụng phụ. Đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều nước khi những “thuyết âm mưu” lan rộng trên mạng xã hội, cho rằng vaccine không có tác dụng, hoặc thậm chí gây hại nhiều hơn là có tác dụng tốt. Ngoài cuộc chiến với virus, nhiều nước còn đang đối mặt với cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch về vaccine.
Với cá nhân còn có sự lựa chọn và chờ đợi, nhưng với nền kinh tế thì không. Sự thật là chỉ có vaccine mới đem lại ánh sáng cuối đường hầm với nền kinh tế.
Biểu đồ tăng trưởng GDP của nhiều nước trong năm nay tương đồng với tỷ lệ người được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Một số nhà nghiên cứu cho biết tác động của tiêm chủng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong khoảng thời gian 5 năm, mỗi năm giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường.
Nguồn: The Economist, Our world in Data, World Bank. Tác giả tổng hợp.
|
Nhưng ngay lựa chọn hiển nhiên nói trên cũng vấp phải khó khăn đối với nhiều quốc gia trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Về lý thuyết, vaccine xuất hiện và sẽ chấm dứt đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng “bình thường ngược” đang diễn ra ở một số nước áp đặt các hạn chế mới dù có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Để ngăn ngừa sự lan rộng của virus, nhiều chính phủ đã gia tăng lệnh giãn cách, yêu cầu dân phải tiếp tục ở nhà.
Nhưng dường như các lệnh giãn cách ngày càng khó thực thi. Tháng 4 năm ngoái, mặc dù một nửa dân số thế giới phải tuân theo các lệnh giãn cách nghiêm ngặt như vậy, nhưng theo khảo sát của The Economist, thời gian trung bình toàn cầu ở bên ngoài nhà chỉ giảm 15%. Tỷ lệ tuân thủ hiện nay cũng thấp tương tự: khoảng 14% người không được phép ra ngoài, nhưng thời gian không ở nhà chỉ thấp hơn 5% so với mức cơ bản của năm 2019.
Khó khăn này cũng đang diễn ra tại Việt Nam và khiến nhiều chuyên gia lên tiếng về kịch bản “sống chung với virus” khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt tại TPHCM. Thậm chí, có các cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội về việc nên coi virus Covid-19 chỉ là “virus cảm cúm thông thường” và nên nhanh chóng bãi bỏ các lệnh giãn cách vì “chúng ta có thể chết đói trước khi chết vì virus”. Bởi vì, thực tế là có tới 80% người bệnh không có triệu chứng, tỷ lệ nguy hiểm đến tính mạng rất thấp.
Như vậy là hơi vội vàng trước sự khó đoán trước mà rủi ro do các biến chủng virus mới gây ra. Thực tế, ngay khi thế giới nghĩ rằng virus đã bị đánh bại, một biến thể mới làm bùng phát trở lại, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với biến thể trước. Tình trạng thiếu vaccine chủng ngừa càng trở nên trầm trọng hơn bởi các biến thể mới. Biến thể virus Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm cao gấp 2 đến 3 lần so với virus từ Vũ Hán, đã lan rộng ở 85 nước.
Các biến thể này đang nhiễm cả những người được tiêm chủng, kéo theo đó là số ca tử vong vì virus Covid-19 ngày càng tăng cao tại nhiều nước. Chẳng hạn, tốc độ tiêm chủng chậm được coi là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trong những ngày gần đây tại Nga, với hơn 500 người chết mỗi ngày, liên tục từ một tuần qua.
Cho dù có những lúc nản lòng vì lệnh giãn cách quá lâu hay còn những nghi ngờ về tác dụng của vaccine thì sự thật vẫn là: đối với những người đủ may mắn đã được tiêm phòng đầy đủ và được tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, Covid-19 đã nhanh chóng trở thành một căn bệnh không gây chết người.
Ở Anh, nơi biến thể Delta đang chiếm ưu thế, tỷ lệ tử vong nếu bạn bị nhiễm bệnh bây giờ là khoảng 0,1%, tương tự như bệnh cúm theo mùa. Cụ thể hơn, các số liệu mới nhất của Cơ quan Y tế Công xứ Anh (PHE) cho thấy có 92.029 trường hợp được xác định là nhiễm biến thể Delta trong thời gian từ ngày 1-2 đến 22-6. Trong số này, 58% là những người chưa tiêm vaccine và có 8% đã được chủng ngừa đầy đủ. Số liệu này cho thấy vaccine làm giảm đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh.
Ở những quốc gia như Israel, nơi hầu hết người lớn đều đã tiêm 2 mũi Pfizer, cuộc sống giờ đây trở lại bình thường như trước đại dịch. Tin vui khác là cũng không còn mất nhiều thời gian để sản xuất các vaccine mới để ứng phó với những biến chủng mới.
Chấp nhận một số thiệt hại trước mắt để đạt miễn dịch cộng đồng nhằm đem lại sự ổn định lâu dài là bài học của nhiều nước trong cuộc đua tiêm chủng vaccine và gia tăng các lệnh giãn cách. Nhiều nước đang áp dụng một "Chỉ số bình thường", theo dõi ba loại hoạt động.
Đầu tiên là đi lại (gồm đường bộ, chuyến bay và phương tiện giao thông công cộng). Tiếp theo là thời gian giải trí, được chia cho số giờ ở ngoài nhà, doanh thu từ rạp chiếu phim và việc tham dự các sự kiện thể thao. Cuối cùng là hoạt động thương mại, được đo bằng lượt đến các cửa hàng và văn phòng.
Tờ The Economist công bố "Chỉ số bình thường", lấy mức trung bình trước đại dịch là 100 và khảo sát ở 50 quốc gia (chiếm 76% dân số Trái đất). Hiện nay, chỉ số này đứng ở mức 66, gần gấp đôi mức vào tháng 4 năm 2020. Hầu hết các nước phương Tây và có tỷ lệ tiêm chủng cao đều gần với mức trung bình này: Mỹ ở vị trí 73, EU 71, Úc 70 và Anh 62.
Nếu như năm trước, Việt Nam đã “thắng” virus bằng lệnh giãn cách nghiêm ngặt nhất khu vực, thì nay lại đang chậm chân trong chuyến tàu trở lại bình thường do tỷ lệ tiêm chủng quá thấp. Chúng ta đang phải bù lại bằng “tốc độ” kết hợp giữa giãn cách và tiêm chủng.
Các số liệu không biết diễn giải sai lệch và chứng minh rất rõ một sự thật hiển nhiên là: càng muốn sớm trở lại bình thường, được tới công sở làm việc, được đi lại vui chơi, càng muốn bản thân được bảo vệ trước virus chết người, bạn càng nên sớm tiêm vaccine và càng phải tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giãn cách.
Về nguyên tắc, nếu sống sót sau một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, bạn có thể coi mình là một trong những người rất may mắn. Bạn phải coi đó là ân huệ lớn hơn những tính toán thiệt hơn khác.