Một số điều thú vị về chuyến bay vào không gian của tỷ phú Richard Branson
Richard Branson trở thành tỷ phú đầu tiên bay vào không gian và ông chỉ mất 16 năm để làm được điều đó.
Tỷ phú Richard Branson (đầu tiên bên phải)
|
Tương lai - và thậm chí là khả năng tồn tại - của các chuyến bay thương mại có thể được xác định bằng các chuyến bay của Branson và Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon, người cũng sẽ bay vào vũ trụ trong vài ngày tới). Năm 2014, một tàu vũ trụ của Virgin Galactic đã bị rơi ở California, khiến một trong các phi công thiệt mạng. Virgin Galactic đã có những chỉnh sửa để giảm nguy cơ mắc lỗi của con người, sau khi một báo cáo của cơ quan quản lý kết luận một trong các phi công đã mắc lỗi khi quay trở lại Trái đất.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về Virgin Galactic, công ty dẫn đầu cuộc đua không gian của thế kỷ 21:
Virgin Galactic lên kế hoạch thu về lợi nhuận khổng lồ
Công ty vũ trụ của Branson được hỗ trợ bởi các tổ chức khổng lồ, chẳng hạn như quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi. Tuy nhiên, suốt 19 tháng hoạt động với tư cách một công ty giao dịch công khai, Virgin Galactic chưa bao giờ đạt được lợi nhuận. Trên thực tế, công ty đã lỗ 889.9 triệu USD kể từ đầu năm 2017 và trong một số quý còn không có doanh thu.
Dẫu vậy, đây không phải là điều khiến các tỷ phú đầu tư vào Virgin Galactic nao núng. Trong báo cáo thường niên 2019, công ty này lưu ý Phòng Thương mại Hoa Kỳ dự báo những chuyến bay vào vũ trụ mang tính thương mại sẽ là ngành công nghiệp trị giá 1.5 nghìn tỉ USD vào năm 2040.
Khoảng 600 chuyến bay đã được đặt trước - trong đó có những hành khách nổi tiếng như Leonardo DiCaprio và Justin Bieber - với giá 250,000 USD/vé và công ty đã lưu ý trong hồ sơ của họ rằng họ có khả năng tăng giá khi nhu cầu tăng cao.
Branson & Co. được cho là đang lên kế hoạch thực hiện 400 chuyến bay thương mại mỗi năm, trong đó mỗi trung tâm cảng hàng không sẽ mang về doanh thu 1 tỉ USD, dù không có thời gian cụ thể nào được công bố.
Tương lai gần của du hành vũ trụ mang tính thương mại là dành cho các triệu phú
Theo CapGemini, số lượng triệu phú trên thế giới đã tăng nhanh trong thập niên qua, khi vượt 20 triệu vào năm ngoái. Virgin Galactic đang nhắm vào nhóm này, đặc biệt là những người có tài sản hơn 10 triệu USD, và dự kiến đạt doanh thu 120 triệu USD từ những khách hàng đó trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là một công ty như Virgin Galactic sẽ làm cách nào để khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ. Các chuyến bay của họ kéo dài khoảng hai giờ và dự kiến đạt đến giới hạn thấp nhất của những gì được xem là “không gian”, nghĩa là chỉ được nhìn Trái đất từ không gian và trải qua vài phút không trọng lượng trước khi quay trở lại sân bay vũ trụ New Mexico.
Như vậy, về cơ bản, đó là chuyến tàu lượn siêu tốc mạnh nhất thế giới và không giống như một chuyến bay thương mại đưa hành khách từ điểm A đến điểm B. Không rõ Virgin có đang tìm cách để đạt đến độ cao mới để có sự mới lạ khác hay không. CEO của VG, Michael Colglazer, trước đây là người đứng đầu chuỗi công viên quốc tế của Disney, vì vậy ông biết cách để hấp dẫn khách hàng.
Virgin Galactic có rất nhiều tiền
Virgin Galactic có hai lợi thế lớn trong việc xây dựng đội bay: Công nghệ độc quyền và lượng tiền mặt khổng lồ. Tính đến ngày 31/03, công ty này có 616 triệu USD tiền mặt, gấp hơn 5 lần nợ hiện tại. Theo báo cáo thường niên gần nhất, các chi phí - đặc biệt là phần dành cho nghiên cứu và phát triển, đạt 159 triệu USD vào năm ngoái - dự kiến giảm khi những chuyến bay thương mại trở nên thường xuyên hơn.
Virgin Galactic đang sử dụng các con tàu và sân bay vũ trụ đã giúp họ cạnh tranh với các đối thủ như Blue Origin, công ty của Bezos. Nhưng không giống như Blue Origin, Virgin Galactic không sử dụng tên lửa phóng từ Trái đất. Thay vào đó, phương pháp của Branson là dựa vào hai con tàu để đi vào phần không gian dưới quỹ đạo. Đầu tiên, một chiếc máy bay “mẹ” hai thân, được gọi là VMS Eve, cất cánh theo chiều ngang trước khi đạt độ cao 45,000 foot để thả chiếc thứ hai. Sau đó, con tàu chở 2 phi công và tối đa 6 hành khách đó sẽ dùng tên lửa để đạt tốc độ 2,302 dặm/giờ để đi vào không gian.
Các hợp đồng với Chính phủ
Tiềm năng cho các chuyến bay vũ trụ thương mại đã thu hút sự quan tâm không chỉ từ giới giàu có, muốn đi những nơi mà trước đây ít người từng đến. NASA, cũng như Chính phủ Ý và bang New Mexico, đã có hợp đồng với Virgin Galactic. Mặc dù các hợp đồng này không phải là trọng tâm chính của Virgin Galactic, nhưng nó có thể trở thành một thị phần lớn hơn trong hoạt động kinh doanh của công ty khi công nghệ bay vào vũ trụ của họ được chứng minh trong các điều kiện thực tế.
Tàu vũ trụ của Virgin mang theo những thứ cần thiết cho nghiên cứu của NASA, như máy móc để nghiên cứu hình ảnh và y sinh, cũng như các hệ thống bay khác của Chính phủ. Trong khi đó, New Mexico cho thuê đất và đã đầu tư 200 triệu USD vào sân bay vũ trụ - nơi bắt đầu chuyến bay của Richard Branson. Còn Chính phủ Ý đã huấn luyện các thành viên không quân trong các chuyến đi của Virgin Galactic.
Nhã Thanh (Theo Fortune)
FILI
|