4 bước xây dựng niềm tin và danh tiếng của tỷ phú giàu nhất hành tinh
Để đạt được thành công lớn trong sự nghiệp bạn cần làm được những gì? Theo tỷ phú Jeff Bezos, một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm chính là xây dựng niềm tin và duy trì danh tiếng. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng.
Tỷ phú Jeff Bezos
|
Trong một cuộc trao đổi tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan (Reagan National Defense Forum) năm 2019, Bezos có đề cập đến 4 việc mà ông đã làm để lấy được niềm tin của người khác.
1. Làm những việc khó khăn
“Cách để người khác tin bạn và giúp bạn xây dựng được danh tiếng chính là liên tục làm tốt những việc khó khăn”, ông Bezos chia sẻ.
Bezos, người dự tính sẽ thôi giữ chức Giám đốc điều hành của Amazon vào ngày 5/7, lấy quân đội Mỹ làm ví dụ. Theo Viện Tổng thống Reagan (Reagan Presidential Foundation and Institute), mặc dù niềm tin và sự tự hào của người dân Mỹ dành cho quân đội đã sụt giảm từ năm 2018, nhưng tính ra quân đội vẫn là một trong những tổ chức đáng tin cậy nhất của đất nước.
“Lý do quân đội vẫn duy trì được sự tín nhiệm và tiếng tăm là do qua nhiều thập kỷ, quân đội vẫn liên tục làm tốt những việc khó khăn”.
2. Nói được làm được
“Điều này vừa đơn giản nhưng cũng vừa phức tạp”, Bezos nói. “Bởi vì để làm tốt những việc khó khăn, bạn phải có phẩm chất lẫn năng lực. Đồng nghĩa với việc nói được thì bạn phải làm được, và thực thi chúng”.
Amazon cung cấp hơn một triệu sản phẩm mỗi năm: “Chúng tôi nói mình sẽ làm việc đó và thực sự sau đó chúng tôi đã làm được”.
3. Dám đón nhận sự gièm pha
Mọi người có thể nghĩ rằng những ai đồng thuận với bạn thường là những người đáng tin cậy và có hảo ý, nhưng Bezos không nghĩ rằng điều này lúc nào cũng đúng.
“Mọi người sẽ thích khi bạn nói rằng ‘Không, chúng tôi sẽ không làm cách đó. Tôi biết bạn muốn chúng tôi làm theo cách đó, nhưng chúng tôi sẽ không làm đâu’”, nhà sáng lập của Amazon chia sẻ. “Và thậm chí nếu họ không đồng ý, họ có thể nói ‘Chúng tôi tôn trọng điều đó. Họ biết họ là ai’”.
4. Quan điểm rõ ràng
Khi dám đón nhận sự gièm pha, Bezos cho rằng sẽ có ích hơn khi bạn có được quan điểm rõ ràng.
“Nếu chúng tôi rõ ràng về những gì mình sẽ làm và không làm, thì mọi người có thể lựa chọn tham gia hoặc không”, ông giải thích. “Họ có thể nói ‘Được rồi, nếu như đó là lập trường của Amazon hay lập trường của Blue Origin hay lập trường của Amazon Web Services, thì tôi không muốn tham gia nữa”.
Và ông Bezos hoàn toàn chấp nhận điều này.
“Chúng ta đang sống trong một đất nước đề cao quyền dân chủ và ý kiến của mọi người”, ông chia sẻ thêm. “Tôi muốn mọi người dù không đồng tình với nhau vẫn có thể cùng nhau làm việc. Tôi không muốn đánh mất điều này. Ai cũng có quyền ra ý kiến, nhưng vai trò của đội ngũ lãnh đạo là phải biết nói từ chối”.
Sự đồng thuận từ các công trình nghiên cứu: Sự nhất quán và theo đuổi đến cùng là cực kỳ thiết yếu
Có một vài nghiên cứu cũng ủng hộ cho chiến lược xây dựng niềm tin của ông Bezos.
Theo hai cuộc thí nghiệm công bố trong một bài nghiên cứu vào năm 2000, các nhà nghiên cứu phát hiện ra ba yếu tố giúp thiết lập niềm tin: “Đó là mức độ tương tác giữa bên ủy thác và bên được ủy thác, năng lực và sự nhất quán trước sau trong hành vi của bên được ủy thác”.
Một nghiên cứu khác, được công bố trong Academy of Management Review, cũng đề cập rằng trong nhiều thí nghiệm về chuẩn mực niềm tin, “tính nhất quán và phẩm chất” được coi là những mấu chốt nền tảng.
“Liên tục theo đuổi đến cùng”, các nhà khoa học nhận định, “là nhân tố quan trọng nhất để đem lại một niềm tin vững chãi”.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|