Bài cập nhật
Góc nhìn 28/07: Tiếp tục giằng co?
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 28/07 tới, áp lực bán có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,270 - 1,275 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,260 - 1,265 điểm.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy và đi ngang với biên độ hẹp
CTCK Yuanta Vietnam: Nhịp hồi phục tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ số gặp phải lực bán ở vùng giá cao. Tuy nhiên, lực bán tương đối mỏng và chỉ số VN-Index đóng cửa giữ mức tăng 0.33% dừng tại 1,276.93 điểm. Chỉ số HNX-Index cùng chiều tăng 1.03% dừng tại 306 điểm; Chỉ số Upcom-Index cộng thêm 1.07%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn cải thiện khi gia tăng lên con số 19,641 tỷ đồng.
MSN (+3.6%), HPG (+1.3%), TCB (+1.5%), VRE (+3.4%) đóng góp hơn 3.2 điểm tăng vào chỉ số VN-Index trong khi ở chiều ngược lại, VHM (-1.6%), VCB (-1%), VNM (-1.6%), NVL (-0.9%) có sự điều chỉnh và lấy đi 3.7 điểm của chỉ số. Tuy nhiên, sắc xanh chiếm ưu thế hơn là động lực giúp chỉ số neo giữ ở vùng giá xanh.
Trong khi dòng tiền thận trọng ở nhóm vốn hoá lớn đặc biệt là các mã Ngân hàng thì dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh trong phiên 27/7 với các mã như TTF, MST, NAF, PSH tăng giá mạnh.
Khối ngoại đảo chiều mua ròng gần 249 tỷ đồng toàn thị trường. AGG (372 tỷ) cùng với NVL (106 tỷ), MSB (91 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, VHM (86 tỷ), PDR (42 tỷ), SSI (37 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng.
Yuanta Vietnam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy và đi ngang với biên độ hẹp trong vài phiên tới. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lực chốt lời gia tăng từ các vị thế mua ở mức giá thấp trước đó.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta Vietnam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư ngắn hạn có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua mới ở các nhịp điều chỉnh với tỷ trọng thấp.
Áp lực bán sẽ diễn ra khi thị trường tăng mạnh
CTCK Ngân hàng MB (MBS): Thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà phục hồi nhờ thanh khoản tăng, dòng tiền có sự lan tỏa nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép….quay trở lại để thay thế nhóm bất động sản dẫn dắt thị trường. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 4.22 điểm lên 1,276.93 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 5.89 điểm lên 1,409.85 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 206 mã tăng/166 mã giảm, ở rổ VN30 có 19 mã tăng, 10 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên 26/7 khi thị trường có lúc tăng hơn 15 điểm khiến hoạt động chốt lời diễn ra, giá trị khớp lệnh trên sàn HSX đạt 16,326 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng hơn 300 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua thoả thuận AGG với giá trị 413 tỷ đồng.
Thị trường duy trì đà phục hồi nhờ thanh khoản tăng và các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt đổi trụ thành công. Phiên 27/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép,…đã quay trở lại để thay thế nhóm cổ phiếu bất động sản. Độ rộng thị trường được ghi nhận rất tích cực dù áp lực bán hầu như diễn ra toàn bộ trong phiên chiều. Do vậy nhà đầu tư không nên mua đuổi trong phiên hoặc lướt sóng khi thị trường nhiều khả năng chỉ dao động trong biên độ hẹp, áp lực bán sẽ diễn ra khi thị trường tăng mạnh và hoạt động mua gom cổ phiếu sẽ diễn khi thị trường rung lắc.
Hồi phục trong nghi ngờ
CTCK Mirae Asset: Tương tự như 26/7 thì ngày 27/7 tiếp tục là phiên giao dịch khá thận trọng của nhà đầu tư, tuy nhiên chiều hướng đã có phần tích cực hơn. VN-Index mở phiên trong sắc xanh và nhanh chóng có mức tăng khá tốt hơn 16 điểm. Dù sau đó đà tăng có suy giảm nhưng nhìn chung vẫn mang xu hướng tích cực trong ngày. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1,276.9 điểm, tăng 4.2 điểm, tương ứng +0,3% so với phiên giao dịch ngày hôm trước, thanh khoản 3 sàn lần lượt là HOSE: 18,550 tỷ đồng, HNX: 2,218 tỷ đồng, UPCOM: 1,212 tỷ đồng.
Trái với phiên giao dịch đầu tuần, dòng tiền ngày hôm nay có xu hướng tập trung vào nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, Dầu khí, Thép. Trong khi đó, nhóm Bất động sản sau khi dẫn đầu thị trường ngày 26/7 đã dừng lại hoặc suy giảm nhẹ phiên ngày 27/7.
Khối ngoại mua ròng xấp xỉ 300 tỷ đồng ngày hôm nay, lớn nhất là AGG (322 tỷ) và NVL (105 tỷ). Phiên tăng nhẹ khiến các chỉ số kỹ thuật của VN-Index chưa được cải thiện. Điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset hiện vẫn đang là -2 (TRUNG TÍNH). Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, hệ số P/E của VN-Index là 17,07x.
Nên lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi dịch
CTCK Ngân hàng DongA: Thị trường tăng điểm nhờ một số cổ phiếu trụ tăng giá, tuy nhiên sự phân hoá diễn ra mạnh trong phần còn lại của thị trường. Nhà đầu tư kết hợp việc xem xét kết quả kinh doanh quý 2/2021 và trạng thái “bình thường mới” sẽ đến sau khi kiểm soát dịch bệnh, qua đó chọn lọc mua những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt và ít bị ảnh hưởng bới tác động của dịch bệnh, ngại ngần trước triển vọng kém khả quan của các doanh nghiệp thuộc ngành nghề chịu nhiều bất lợi. Dòng tiền vẫn nhiều thận trọng nhâp cuộc dù giá đã giảm. Kịch bản giao dịch ngắn hạn trong tuần này, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy vùng đáy. Với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, những nhóm ngành có hoạt động kinh doanh trong 6 tháng tới ít bị ảnh hưởng vởi đại dịch sẽ được chú ý hơn và kỳ vọng an toàn để giải ngân.
Nhà đầu tư có thể giải ngân cho mục tiêu đầu tư trung hạn khi VN-Index tích lũy trong vùng 1,250-1,280 điểm, quan tâm cổ phiếu các công ty có dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bên bán đang mạnh lên
CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 27/07, mặc dù có lúc tăng gần 16 điểm, tuy nhiên áp lực bán tăng mạnh đã làm thu hẹp đáng kể đà tăng của chỉ số VN-Index, đóng cửa chỉ còn tăng hơn 4 điểm, mức gần thấp nhất trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 4.22 điểm (tăng 0.33%), đóng cửa ở mức 1,276.93. Thanh khoản HOSE ở mức gần 567 triệu cp (tăng 11%), giá trị gần 18,600 tỷ đồng (tăng 16%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (206 mã tăng/ 166 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng hơn 339 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào AGG, NVL, và MSB.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ với giá đóng cửa nằm dưới đường MA10 ngày, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang mạnh lên. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,270 - 1,275 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,260 - 1,265 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,280 - 1,285 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,290 - 1,295 điểm.
Thị trường phiên 27/07 ghi nhận phiên tăng điểm nhẹ thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh áp lực bán có phần gia tăng. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 28/07 tới, áp lực bán có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,270 - 1,275 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,260 - 1,265 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày 28/07 tới.
Tiếp tục giằng co
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index duy trì sắc xanh từ đầu phiên sáng cho đến cuối phiên chiều 27/07 và hiện chỉ số đã trở lại khu vực trên ngưỡng 1,275. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái cân bằng với thanh khoản gia tăng so với phiên trước. Theo đánh giá của BSI, VN-Index có thể sẽ tiếp tục dao động giằng co với biên độ hẹp trong phiên 28/07 tới.
Nắm giữ phần còn lại
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index mở gap tăng điểm từ đầu phiên trước khi đánh mất xung lực và đảo chiều giảm điểm về cuối phiên 27/07. Chỉ số vẫn đang chịu ảnh hưởng của vùng kháng cự quanh 1,300 khiến những nhịp rung lắc có thể xuất hiện trong một vài phiên tới kể từ 28/07 và gây áp lực cho chỉ số. Tuy nhiên, chừng nào chưa đánh mất điểm đỡ gần tại 1,265, cơ hội hồi phục sau đó vẫn tiếp tục được đánh giá cao hơn. Sau khi chốt lời 1 phần vị thế T+, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ phần còn lại và chỉ bán giảm tỷ trọng trong trường hợp VN-Index phá vỡ mốc hỗ trợ gần đã đề cập.
Hồi phục quanh ngưỡng kháng cự 1,300 điểm
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index có phiên hồi phục nhẹ (+0.33%) thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh đã có sự cải thiện so với phiên 26/07 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy cho thấy lực cầu mua lên trong phiên 27/07 là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với diễn biến thị trường. Với diễn biến này thì góc nhìn xu hướng xu hướng thị trường vẫn không có gì thay đổi, VN-Index vẫn đang vận động trong sóng hồi với thanh khoản thấp.
Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 28/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với target là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1,300 điểm. Nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình trong phiên 19/7 khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 1,260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong phiên 28/07 và có thể canh chốt lời nếu VN-Index tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1,300-1,325 điểm.
Xu hướng tăng giá dài hạn
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index tăng 4.22 điểm tương ứng mức tăng 0.33% so với phiên 26/07. Thị trường 27/07 giao dịch nghiêng về số mã xanh. Tổng 3 sàn có 477 mã xanh so với 300 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên 27/07 tiếp tục duy trì giá trị thấp với với 16362 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 519.93 triệu cổ phiếu, ngang bằng bình quân giao dịch 10 phiên VN-Index đóng cửa với cây nến giảm điểm nhẹ và vượt lên lại kháng cự ngắn MA(10), cho thấy nhịp hồi phục dự kiến vẫn sẽ tiếp tục. Dòng tiền vẫn tập trung ở một vài mã trụ đơn lẻ và chủ yếu vẫn nhóm cổ phiếu midcaps. Các chỉ báo động lượng cũng vẫn chưa có quá nhiều cải thiện so với trước đó khi dòng tiền lớn vẫn chưa trở lại mạnh mẽ như giai đoạn trước đó.
Kỳ vọng VN-Index có thể tiếp tục tích lũy quanh vùng biên độ 1,250-1,300 điểm để hút thêm lực cầu. Hiện mốc 1,300 điểm đang là kháng cự mạnh mà VN-Index khả năng cao chưa thể vượt qua ngay được trong thời gian tới.
Trong các phiên tới, VN-Index kỳ vọng vẫn tăng điểm từ từ để kiểm tra lại mốc 1,300 điểm. Nếu không thể vượt qua, VN-Index sẽ cần một vùng chiết khấu mới để thu hút thêm dòng tiền lớn bên ngoài. TVSI vẫn kỳ vọng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn và sẽ sớm lấy lại xu hướng tăng giá trung hạn trong các phiên tới khi vượt lên vùng 1,300 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường dự báo sẽ đi ngang vùng biên độ 1,250-1,300 điểm, sẽ có những phiên rung lắc mạnh để kiểm tra lực cầu vùng giá thấp.
Minh Hồng
FILI
|