Thứ Ba, 20/07/2021 18:11

Bài cập nhật

Góc nhìn 21/07: Nâng dần tỷ trọng?

Một vài CTCK cho rằng VN-Index có thể duy trì lực cầu trong những phiên tiếp theo kể từ 21/07 và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn. Tuy nhiên cũng có những CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát thêm...

Thị trường đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật

CTCK Yuanta Việt Nam: Tâm lý thị trường được giải toả phần nào khi các chỉ số bật tăng mạnh về cuối phiên ngày 20/7. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 2.4% dừng tại 1,273.29 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3.1% dừng tại 301.11 điểm; Chỉ số Upcom-Index tăng 1.33%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 19,434 tỷ đồng sụt giảm gần 18% so với phiên 19/07.

Lực cầu tham gia mạnh tại nhóm Tài chính và Vật liệu Xây dựng, đây là 2 nhóm ghi nhận mức tăng mạnh như HPG (+6.8%), HSG (+6.9%), SSI (+6.9%), CTG (+3.1%), MSB (+4.3%), TCB (+3.1%)…Diễn biến hồi phục diễn ra trên diện rộng với các nhóm Bất động sản, Hoá Chất, Thực phẩm đồ uống đều có sự hồi phục nhưng thanh khoản không tăng mạnh ở các nhóm này.

Khối ngoại mua ròng gần 38 tỷ đồng toàn thị trường. PVI (346 tỷ), STB (71 tỷ), HPG (62 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, MSB (121 tỷ), VIC (113 tỷ), NVL (107 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng.

Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng kháng cự gần nhất 1,276 – 1,300 điểm (đây là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 19/07/2021). Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 1,276 – 1,300 điểm với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 620 triệu cổ phiếu thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm mạnh và thị trường có thể nhanh chóng tìm điểm cân bằng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát thị trường và chưa nên có hành động mua/bán để đánh giá rủi ro ngắn hạn trong phiên tới. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư có tỷ trọng đòn bẩy cao thì nên hạ lượng đòn bẩy về mức thấp ở các nhịp hồi.

Dòng tiền sẽ phân hóa vào một số cổ phiếu có câu chuyện riêng

CTCK Agribank (Agriseco): Áp lực bán tiếp diễn từ phiên giao dịch ngày 19/7 khiến thị trường có những lúc giảm gần 20 điểm trong phiên giao dịch sáng ngày 20/7, mặc dù vậy thị trường đã có sự hồi phục ngoạn mục vào phiên chiều 20/7. Nhóm cổ phiếu VN30 đóng vai trò là lực đỡ chính thị trường với 28 mã tăng điểm. Việc thị trường hồi phục mạnh sau những phiên giảm sốc là điều thường thấy trong năm qua, giúp tâm lý thị trường không quá bi quan. Mặc dù vậy thanh khoản thị trường phiên 20/7 tương đối thấp cho thấy tâm lý thận trọng vẫn là chủ đạo và một lượng tiền lớn đã rũ ra khỏi thị trường trong giai đoạn vừa rồi.

Agriseco dự đoán thị trường các phiên tới sẽ dần ổn định trở lại với ngưỡng hỗ trợ 1,250 điểm, dòng tiền sẽ phân hóa vào một số cổ phiếu có câu chuyện riêng. Như đã nhận định trong các bản tin trước, thị trường giai đoạn này là cơ hội để mua vào những cổ phiếu trụ cột đầu ngành có hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong năm 2021 tại những nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý tới việc kiểm soát rủi ro và hạn chế sử dụng margin, tránh những cổ phiếu mang tính đầu cơ đã tăng nóng để đảm bảo quản trị rủi ro danh mục.

Thị trường sắp tới sẽ dao động trong vùng 1,250 - 1,300 điểm

CTCK Vietcombank (VCBS): VN Index tăng điểm mạnh trong phiên 20/7 bất chấp những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới. Dù cả thị trường chứng khoán Mỹ đêm 19/7 cũng như việc các thị trường châu Á lớn (như Nikkei 225, Hang Seng, Shanghai Composite…) trong sáng 20/7 đều giảm điểm khá mạnh với mức giảm được ghi nhận trên 2.00%, nhưng chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ sau phiên ATO. Dù đã có thời điểm phe bán chiếm ưu thế đã đẩy chỉ số về dưới mốc 1,230, nhưng kể từ sau thời điểm 13h20’, dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ và giúp chỉ số mau chóng đảo chiều tăng điểm, với sắc xanh bao trùm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn (VCB, BID, HPG, VHM…) và theo đó mức tăng được nới rộng lên 29.78 điểm (+2.39%), giúp VN-Index đạt mức 1,273.29 khi kết phiên – và đây cũng là mức cao nhất cả phiên, trong khi HNX Index dừng tại mức 301.11 (+3.10%). VN-Index bật lên từ vùng 1,250 điểm là một tín hiệu tích cực, trong đó đáng chú ý là mức hồi phục tăng điểm mạnh ở những nhóm cổ phiếu vốn đã giảm sâu trong những phiên liền trước như ngân hàng, chứng khoán, thép,…

Mặc dù một phiên tăng điểm là chưa đủ cơ sở để khẳng định về việc nhịp giảm điểm kết thúc và thị trường đã thực sự tạo đáy, VCBS vẫn kỳ vọng rằng xu hướng của chỉ số trong ngắn hạn sẽ là dao động trong vùng 1,250 – 1,300 điểm và biên độ dao động của chỉ số sẽ giảm dần trong những phiên tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn là chỉ số tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm và rơi về vùng 1,200 điểm nếu thị trường xuất hiện thông tin bất thường. Nhà đầu tư vẫn nên đề cao sự thận trọng trong giai đoạn này, theo đó chỉ nên giải ngân cho mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn với tỉ trọng nhỏ, mang tính chất thăm dò và sẵn sàng cắt lỗ nếu cổ phiếu biến động tiêu cực ngược kỳ vọng.

Duy trì lực cầu hướng về ngưỡng 1,300

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index duy trì sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng lực cầu gia tăng từ giữa phiên chiều đã giúp chỉ số có phiên hồi phục tích cực. Dòng tiền đầu tư cải thiện trở lại với 18/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của BSI, VN-Index có thể duy trì lực cầu trong những phiên tiếp theo kể từ 21/07 và hướng tiếp về khu vực gần ngưỡng 1,300.

Tham gia thị trường với tỷ trọng nhỏ

CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 20/07, chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tích cực, đóng cửa tăng gần 30 điểm, mức cao nhất trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 29.78 điểm (tăng 2.39%), đóng cửa ở mức 1,273.29. Thanh khoản HOSE ở mức gần 569 triệu cp (giảm 22%), giá trị hơn 17,900 tỷ đồng (giảm 18%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (281 mã tăng/ 94 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 325 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VIC, MSB, và VRE.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài dạng ‘Hammer’ với giá đóng cửa nằm trên đường MA150 ngày, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang mạnh lên, và đà giảm bắt đầu chững lại. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1,280 - 1,290 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,300 - 1,310 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1,260 - 1,270 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,240 - 1,250 điểm.

Thị trường phiên 20/07 ghi nhận một phiên giao dịch khá tích cực dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 21/07 tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1,280 - 1,290 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,300 - 1,310 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Aseansc cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét tham gia thị trường với tỷ trọng nhỏ ở những phiên điều chỉnh kỹ thuật, nhất là khi nhiều mã cổ phiếu đã có mức chiết khấu khá hấp dẫn, với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 tích cực và dịch bệnh sớm được kiểm soát.

Nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn

CTCK KB (KBSV): VN-Index trải qua nhịp điều chỉnh giằng co đầu phiên trước khi hồi phục và mở rộng đà tăng về cuối phiên 20/07. Với việc lấy lại trạng thái cân bằng sau nhịp điều chỉnh tại vùng hỗ trợ mạnh, chỉ số đang có cơ hội bước vào nhịp hồi phục với vùng cản gần tại quanh 1,280 và xa hơn là 1,300. Vùng hỗ trợ 1,220 vẫn đang tạo điểm đỡ trong ngắn hạn tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ xuất hiện thêm nhịp rung lắc trong ngày 21/07 tới. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ.

Tiếp tục quan sát thị trường

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index hồi phục khá tốt (tăng 2.39%) trong phiên 20/07 nhưng với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trước xu hướng thị trường. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã giảm về ngưỡng 1,225 điểm trong phiên 20/07, khá gần với target đặt ra trước đó là ngưỡng 1,210 điểm rồi hồi phục trở lại với một  cây nến rút chân màu xanh cho thấy lực cầu bắt đáy xuất hiện. Trong tình hình hiện tại, có thể tạm coi là sóng điều chỉnh a đã kết thúc để bước vào sóng hồi phục b với target trong khoảng 1,300 - 1,325 điểm và thanh khoản thấp khi mà nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ. SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 21/07, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với target là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1,300 điểm. Nhà đầu tư đã nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình trong phiên 19/07 khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng 1,260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong các phiên tới kể từ 21/07 và có thể canh chốt lời dần nếu VN-Index tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1,300 - 1,325 điểm.

Tâm lý đảo chiều tích cực

CTCK MB (MBS): Thị trường trong nước hồi phục sau chuỗi giảm hơn 13% kể từ đỉnh, trong 6 phiên vừa qua thị trường đã có tới 4 phiên tăng điểm. Việc thị trường phục hồi ở phiên 20/07 không phải do dòng tiền vào mạnh mẽ, thay vào đó là sự đồng thuận ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép,… Thanh khoản thị trường giảm so với phiên 19/07 và vẫn ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 16,651 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến tích cực khi mua ròng trở lại với giá trị khớp lệnh gần 20 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Tóm lại, tâm lý đã đảo chiều tích cực. Những người cần bán giảm margin thì cũng đã bán, dòng tiền đứng ngoài cũng đang có sự sốt ruột nhất định khi thị trường đang tăng trở lại sau khi test vùng đáy hỗ trợ 1,220 điểm. Về kỹ thuật, phiên tăng điểm 20/07 chưa thể kết luận được thị trường sẽ đi theo kịch bản nào trong vài phiên tới kể từ 21/07, ngoài rủi ro bên ngoài không lường trước, lượng hàng T+ về ở ngày 22 và 23 sẽ là bài test hoạt động bắt đáy 2 phiên vừa rồi thành công đến đâu, qua đó sẽ đánh giá thêm về xu hướng của thị trường.

Minh Hồng

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 20/07: Đối mặt với downtrend? (19/07/2021)

>   Thêm một phiên thứ Hai "đen tối" (19/07/2021)

>   VPI, GAS và NT2 có gì hấp dẫn? (19/07/2021)

>   Đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán đã kết thúc? (19/07/2021)

>   Góc nhìn tuần 19-23/07: Xuất hiện sự hồi phục? (18/07/2021)

>   Góc nhìn 16/07: Đáy ngắn hạn sẽ được xác nhận? (15/07/2021)

>   SSI Research: Giá cước vận tải biển sẽ đạt đỉnh vào quý 4/2021 (15/07/2021)

>   Góc nhìn 15/07: Canh mua nếu VN-Index giảm về 1,260 điểm? (14/07/2021)

>   Dragon Capital: Nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt (14/07/2021)

>   Thanh khoản sụt giảm có phải dấu hiệu đáng lo ngại? (14/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật