Thêm một phiên thứ Hai "đen tối"
Kể từ sau khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh 02/07, hầu như các phiên giao dịch ngày thứ Hai đều nhuốm màu đen tối.
* Nhìn lại chứng khoán Việt Nam qua các phiên lao dốc lịch sử: Ngày thứ hai đen tối
Từ sau khi đạt đỉnh, thị trường luôn mở đầu tuần mới với một đợt giảm mạnh. Tuần 05 - 09/07, thị trường giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Hai (05/07) tuy nhiên có cú sụt mạnh phiên tiếp theo (06/07). Nguyên nhân được cho là do những tin đồn về dịch Covid đồng thời nhà đầu tư bắt đầu chốt lời đã khiến thị trường đột ngột giảm mạnh vào ATC.
Diễn biến này cũng mở ra đợt điều chỉnh cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Kể từ sau đó thị trường liên tục đi xuống và đặc biệt giảm mạnh vào những phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Diễn biễn thị trường từ đầu tháng 7 tới nay
|
Phiên 12/07, VN-Index giảm gần 51 điểm (tương ứng 3.8%), rơi về dưới mức 1,300 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số giảm tới 76 điểm, mức giảm tuyệt đối kỷ lục trên thị trường Việt Nam.
Tiếp đến phiên 19/07, kịch bản tiêu cực lại tái diễn. VN-Index giảm hơn 55.8 điểm (tương đương 4.3%), về mức 1,243.5 điểm. Trong phiên, sắc đỏ chiếm lĩnh thị trường. Toàn bộ các ngành đều giảm điểm, cổ phiếu trụ ở các ngành đều giảm mạnh đè mạnh chỉ số. Chứng khoán, khai khoáng, ngân hàng, bán lẻ là những nhóm ngành giảm mạnh nhất trong phiên.
Nhưng đợt điều chỉnh có lẽ phản ánh tâm lý của nhà đầu tư và các thông tin sau 2 ngày cuối tuần nghỉ giao dịch khi mà thông tin về diễn biến nóng của dịch Covid-19 được tung ra. Chẳng hạn, ngày 17/07, Thủ tướng đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 với 19 tỉnh thành miền Nam từ 0h ngày 19/07, đồng thời, số ca bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Theo nhận định của CTCK Bản Việt (VCSC), trong nửa đầu tháng 7, thị trường chứng khoán trong nước đi ngược lại với diễn biến chung của chứng khoán thế giới khi bất ngờ sụt giảm mạnh. Nguyên nhân của nhịp giảm này có thể là do một số lý do như sau.
Những cảnh báo liên tục của một số lãnh đạo Nhà nước và chuyên gia chứng khoán khi cho rằng thị trường đã tăng khá nóng trong ngắn hạn với tỷ lệ margin ở mức rất cao đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn.
Đồng thời, tình hình dịch bệnh do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí có thể nói là nghiêm trọng ở một số tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP.HCM khiến Chính phủ phải siết chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm so với kỳ vọng ban đầu.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, VCSC nhận định nếu VN-Index đảo chiều giảm xuống dưới mốc 1,270 điểm, chỉ số có thể sẽ điều chỉnh sâu hơn về vùng 1,150 - 1,200 điểm. Ở kịch bản này, hệ số P/E bình quân của VN-Index được kỳ vọng sẽ giảm về gần mức bình quân 5 năm qua ở khoảng 16.5 lần là một cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư theo giá trị. VCSC dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2021 ở mức từ 1,400 - 1,500 điểm.
Chí Kiên
FILI
|