Thứ Ba, 13/07/2021 18:18

Góc nhìn 14/07: Giằng co và rung lắc?

Một số công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng thị trường vẫn có thể xuất hiện những phiên giảm điểm và nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục với tỷ trọng cổ phiếu thấp.

​Chưa vội bắt đáy và ưu tiên quản trị rủi ro

CTCP Chứng khoán MB (MBS): Sau phiên bán mạnh ngày 12/7, áp lực bán tiếp tục chi phối thị trường trong phiên sáng 13/7, có thời điểm chỉ số VN-Index bị ép về ngưỡng 1,278 điểm, tương đương giảm gần 20 điểm. Điểm nhấn đáng chú ý đã diễn ra trong phiên chiều với cú lội ngược dòng của thị trường và đà tăng mạnh dần đến hết phiên. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 1.24 điểm lên 1,297.54 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 2.23 điểm còn 1,440.87 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 265 mã tăng/112 mã giảm, ở rổ VN30 có 16 mã tăng, 12 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản giảm có thể là nguyên nhân khiến thị trường chỉ đi ngang quanh mốc tham chiếu trong phiên 13/7, giá trị khớp lệnh chỉ còn trên 14,288 tỷ đồng, thấp nhất kể từ ngày 27/04/2021. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ quay trở lại bán ròng với tổng giá trị hơn 215 tỷ đồng. Thị trường hồi phục trên diện rộng nhờ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tuy nhiên thanh khoản thấp vẫn là điểm trừ, do vậy nhà đầu tư cần quan sát thêm các phiên tiếp theo xác nhận tín hiệu liệu đây có phải là phiên hồi phục kỹ thuật hay thị trường đã tạo đáy. Do đó, nhà đâu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá.

Thị trường khó tăng điểm mạnh trở lại ngay trong ngắn hạn

Chứng khoán Tân Việt (TVSI): ​VN-Index tăng 1.24 điểm tương ứng mức tăng 0.1% so với phiên giao dịch ngày 12/7. Thị trường ngày 13/7 giao dịch nghiêng hoàn toàn về số mã xanh. Tổng 3 sàn có 616 mã xanh so với 240 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên hôm nay đạt mức 14,287.9 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 500.18 triệu cổ phiếu, chỉ hơn một nửa mức giá trị hôm qua, là mức thấp nhất trong 1 tuần trở lại đây

VN-Index đóng cửa với cây nến hammer đỏ với giá trị cao hơn mức đóng cửa ngày 12/7 cho thấy đã có dòng tiền đổ vào tại vùng giá thấp và tập trung chủ yếu vào nhóm midcaps và penny. Nhóm ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 13/7 có thanh khoản giảm rất mạnh so với bình quân giao dịch mười phiên, cho thấy đang có xu hướng đi vào giai đoạn tích lũy. Việc nhóm cổ phiếu penny tăng mạnh hôm nay cũng cho thấy thị trường khó tăng điểm mạnh trở lại ngay trong ngắn hạn. Các nhịp phục hồi dự báo sẽ sớm diễn ra khi VN-Index hiện tại đã gần chạm vùng quá bán. Mốc kháng cự ngắn hiện tại của VN-Index là ở quanh vùng giá trị 1,330 điểm. Xu thế chính của thị trường cần chờ đến sau đáo hạn phái sinh mới thể hiện chắc chắn.

TVSI vẫn dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ có nhịp hồi phục về quanh vùng 1,330 điểm. Hỗ trợ mạnh hiện tại là vùng giá trị 1,270 – 1,275 điểm.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn là giảm điểm

Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Securities): Yuanta Securities cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1,312 – 1,315 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, thị trường đang bước vào giai đoạn giằng co cho nên thị trường có thể sẽ biến động hẹp và đi ngang với khối lượng giao dịch ở mức thấp, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục ở trong vùng bi quan thái quá cho nên thị trường vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hồi phục tích cực hơn cho thấy tính chất “đầu cơ” có thể gia tăng ở những phiên giao dịch tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta Securities khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán và nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp (10 – 20%).

Tham gia thị trường với tỷ trọng nhỏ ở những phiên giảm điểm mạnh

CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 13/07, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, và đóng cửa tăng hơn 1 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1.24 điểm (tăng 0.1%), đóng cửa ở mức 1,297.54. Thanh khoản HOSE ở mức gần 540 triệu cp (giảm 44%), giá trị hơn 15,900 tỷ đồng (giảm 50%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (265 mã tăng/ 112 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 215 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VNM, VIC, VCB, HPG, và CTG.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Hammer’ thứ 2 liên tiếp, với giá đóng cửa nằm trên đường MA100 ngày, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy đà giảm đang tạm thời chững lại. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1,300 - 1,310 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,320 - 1,330 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1,280 - 1,290 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,260 - 1,270 điểm.

Thị trường phiên 13/07 ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co trong bối cảnh dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 14/07 tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1,300 - 1,310 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,320 - 1,330 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Aseansc cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét tham gia thị trường với tỷ trọng nhỏ ở những phiên giảm điểm mạnh, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu khá hấp dẫn, với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 tích cực.

Thị trường vẫn có thể xuất hiện những phiên giảm nhẹ

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng và dù áp lực bán gia tăng trong phiên chiều nhưng sau đó lực cầu xuất hiện vào cuối phiên đã giúp chỉ số đóng cửa với mức tăng nhẹ. Dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại với 14/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HOSEHNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của BSI, lực cầu hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để giúp cho chỉ số đảo chiều và thị trường vẫn có thể xuất hiện những phiên giảm nhẹ trong tuần này kể từ 14/07.

Cơ cấu danh mục với tỷ trọng cổ phiếu thấp

CTCK Đông Á (DAS): Thị trường phiên 13/07 có phiên ngừng giảm điểm nhưng xu hướng ngắn hạn còn khá rủi ro cho việc mua mới. Khối lượng giao dịch thấp và giá dao động trong biên độ hẹp thể hiện sự lưỡng lự của cả 2 bên mua và bên bán. VN-Index có thể tích lũy tạo đáy ngắn hạn trong vùng 1,250 - 1,300. Thị trường chờ đợi những phiên xác nhận kết thúc xu hướng giảm ngắn hạn bằng khối lượng giao dịch thuyết phục hơn.

DAS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên hồi phục ngắn hạn để cơ cấu danh mục với tỷ trọng cổ phiếu thấp, quan tâm những nhóm ngành đã thể hiện mạnh hơn thị trường trong 2 tuần điều chỉnh vừa qua.

Giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1,300 điểm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index hồi phục rất nhẹ trong phiên 13/07 nhờ lực cầu gia tăng trong phiên ATC với thanh khoản khớp lệnh chỉ bằng khoảng một nửa so với phiên giảm hôm qua cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh. Trên góc độ kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng điều chỉnh a sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA20 ngày vào phiên 6/7 với target lần này quanh ngưỡng 1,210 điểm. Với diễn biến trong phiên 13/07 thì diễn biến trong phiên 14/07 tới có lẽ vẫn nghiêng về giằng co. Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 200 tỷ đồng trên 2 sàn là điểm trừ trong phiên 13/07.

Do đó, SHS cho rằng trong phiên giao dịch tiếp theo 14/07, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1,300 điểm. Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy một phần nhỏ tỷ trọng quanh ngưỡng tâm lý 1,300 điểm trong phiên 12/07 nên tiếp tục theo dõi thị trường trong phiên tiếp theo và có thể gia tăng tỷ trọng nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 1,260 điểm.

Minh Hồng

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 13/07: Tiếp tục giảm điểm? (12/07/2021)

>   Giảm mạnh từ đỉnh kỷ lục, vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 29 tỷ USD (12/07/2021)

>   Vì sao thị trường rơi thẳng đứng và nhà đầu tư nên làm gì? (12/07/2021)

>   Mua PVD, HAH, TDM có hợp lý? (12/07/2021)

>   Góc nhìn tuần 12-16/07: Ưu tiên quản lý rủi ro? (11/07/2021)

>   Góc nhìn 09/07: Tiếp tục giằng co? (08/07/2021)

>   Góc nhìn 08/07: Tiếp đà hồi phục? (07/07/2021)

>   HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6.1% (08/07/2021)

>   Góc nhìn 07/07: Lực cầu bắt đáy vẫn có thể xuất hiện? (06/07/2021)

>   SSI Research: Các quỹ ETF hút ròng trong 6 tháng đầu năm (06/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật