Gỗ Trung Quốc giả mác hàng Việt để xuất sang Mỹ như thế nào?
Ngành gỗ cần đề cao cảnh giác trước nghi vấn doanh nghiệp nhập khẩu chi tiết bộ phận mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc rồi gia công, lắp ráp để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, sau 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn đạt 8,1 tỉ USD (tăng 61,1% so với cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, sản phẩm gỗ có mức tăng ấn tượng hơn cả, đạt 6,4 tỉ USD (tăng 75,7%). Viforest dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 sẽ vượt mục tiêu 14 tỉ USD, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam.
Về thị trường, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt Nam. Riêng 5 thị trường này đã nhập đồ gỗ từ Việt Nam với kim ngạch trên 7,68 tỉ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Đặc biệt, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Viforest, một lo ngại là Chính phủ Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá lên hàng nội thất nhập từ Trung Quốc với mức thuế cao từ 55% đến gần 200% với các sản phẩm gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ… dẫn đến việc sản phẩm từ nước này có tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để né thuế.
Viforest khuyến cáo ngành gỗ cần đề cao cảnh giác trước nghi vấn doanh nghiệp nhập khẩu chi tiết bộ phận mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc rồi gia công, lắp ráp để xuất khẩu.
Hình thức gian lận phổ biến là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam.
Việc kiểm soát này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng đầu tư, hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh thuế, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.
Theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2020 đến nay, trong tổng số gần 1,35 triệu bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đã cấp, có gần 1.200 bộ C/O bị cơ quan hải quan nước nhập khẩu đề nghị xác minh xuất xứ.
Tỷ lệ C/O bị hải quan nước nhập khẩu yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp dù không quá lớn, nhưng Bộ Công thương thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp gian lận trong kê khai, làm giả chứng từ để gian lận xuất xứ, chủ yếu đối với một số loại hạt, mặt hàng tấm gỗ ghép, mặt hàng điện tử...
Dương Hưng
Tiền phong
|