Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM tạm dừng hoạt động
Với số ca mắc ngày càng tăng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã phải tạm dừng hoạt động.
Với 20 ca mắc Covid-19 và hàng trăm ca F1, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM) đã tạm dừng hoạt động từ ngày 7/7. Những ngày qua, chỉ một số bộ phận hành chính còn làm việc để triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch, mong sớm được sản xuất trở lại.
Chỉ 6 ngày ngừng hoạt động nhưng công ty đã chịu thiệt hại nặng nề khi việc sản xuất bị đình trệ. Kể cả khi được mở lại, doanh nghiệp này cũng còn nhiều lo lắng vì thiếu hụt nhân sự.
Dừng hoạt động, thiếu công nhân
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam, cho biết đã hoàn tất cải thiện nhà xưởng và có thể bố trí tối đa chỗ ở lại cho 800 lao động. Nếu được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và chính quyền đánh giá và cho phép hoạt động trở lại, công ty sẽ thông báo cho người lao động đăng ký sinh hoạt và làm việc tại chỗ.
Tuy nhiên, ông thừa nhận con số 800 người cũng khó đạt được. Trong khi thực tế, nếu trừ đi những người sống ở Bình Dương, Đồng Nai và các khu vực bị phong tỏa ở TP.HCM, Nidec Việt Nam vẫn còn 2.000 nhân sự có thể làm việc, bằng 1/3 lực lượng lao động ở thời điểm trước dịch.
Một doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM dựng lều cho công nhân ở lại. Ảnh: Chí Hùng.
|
Tương tự, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng đang có hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc. Trong đó, gần 20.000 người liên quan các ca nhiễm, sống ở vùng phong tỏa hoặc chủ động xin nghỉ phép do lo ngại dịch bệnh. Số còn lại sống ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre không thể đến làm việc do các tỉnh hạn chế đi lại.
Việc phải tạm dừng hoạt động nhiều ngày và thiếu hụt lao động nặng nề kể cả khi được tiếp tục sản xuất ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp. Họ lo ngại nếu không thỏa thuận được với đối tác thì sẽ phải bồi thường hợp đồng do chậm trễ giao hàng.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những đơn vị đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đến nay, Nidec Sankyo (Khu công nghệ cao TP.HCM) là công ty tập trung nhiều ca nhiễm nhất (573 ca) và đã dừng hoạt động từ chiều 3/7.
Sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động
Tại cuộc họp với ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, hiệp hội doanh nghiệp và các sở, ngành sáng 13/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp sản xuất nếu không đảm bảo được "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc không bố trí được chỗ ở tập trung cho người lao động thì phải tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở TP.HCM đã vượt mốc 16.000, trong khi năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế có giới hạn. Lần này, dịch bệnh chủ yếu lây lan ở các doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đây là một quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác. "Chỉ một ngày nữa thôi, sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Thiệt hại chắc chắn sẽ có, nhưng bản thân các doanh nghiệp đều xác định an toàn là trên hết nên đều đồng thuận", ông nhìn nhận.
Từ 0h ngày 15/7, doanh nghiệp phải lựa chọn hoặc bố trí chỗ ở tập trung cho lao động, hoặc tạm dừng sản xuất. Ảnh: Chí Hùng.
|
Chiều 13/7, HUBA tổ chức cuộc họp với hơn 70 doanh nghiệp và đại diện các hội ngành nghề để triển khai yêu cầu của TP. Qua khảo sát nhanh, ông Chu Tiến Dũng cho biết một số doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án này từ trước nên giờ chỉ cần củng cố thêm. Đặc biệt, các đơn vị xuất khẩu hay sản xuất hàng thiết yếu buộc phải cố gắng đáp ứng.
Còn lại, những doanh nghiệp nhận thấy đầu tư thêm cho các phương án này không đem lại hiệu quả kinh tế, hoặc nếu tạm dừng hoạt động cũng không ảnh hưởng nhiều thì sẽ chấp nhận tạm dừng. Bởi lẽ thực tế, việc sắp xếp chỗ ở cho người lao động tại công ty hay tìm kiếm khách sạn, nhà nghỉ, kí túc xá trong giai đoạn này không đơn giản, nếu làm được thì số lượng lao động cũng không nhiều.
Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với các đối tác, mà còn đứt gãy ngay trong chính doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA
|
"Chỉ trong vòng một ngày, các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá để tự đưa ra quyết định, nếu dừng hoạt động sẽ cần triển khai rất nhiều hoạt động như thông báo cho đối tác, xử lý nguyên phụ liệu, hoàn tất sản xuất sản phẩm còn dở dang...
Bây giờ không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với các đối tác, mà còn đứt gãy ngay trong chính doanh nghiệp", ông Chu Tiến Dũng nói với chúng tôi.
Hiện tại, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nơi ông Dũng làm tổng giám đốc cũng đang thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà máy và hoàn thiện các công đoạn sản xuất để cho một số công ty con nghỉ một thời gian, trừ những đơn vị chuyên sản xuất hàng thiết yếu và có đơn hàng xuất khẩu.
Ông lý giải hiện nay, các địa phương xung quanh TP.HCM cũng đang áp dụng Chỉ thị 16, do đó hàng hóa khó lưu thông và khó tiếp cận người mua. Do đó, dù có cố gắng bố trí để tiếp tục sản xuất cũng không hiệu quả.
Đến chiều 13/7, hơn 20 doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM đã gửi phương án vừa cách ly vừa sản xuất để ban quản lý thẩm định. Trong khi đó, 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã dừng hoạt động do có ca mắc Covid-19, 2 doanh nghiệp khác tại đây cũng tự đề xuất tạm dừng sản xuất.
Theo công bố vào chiều 13/7 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ghi nhận 50 công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận có tổng số trên 400 ca bệnh.
Lan Anh
ZING
|