Cuối tháng 7 người lao động TP.HCM sẽ nhận hỗ trợ
TP.HCM và một số tỉnh, thành đang khẩn trương lập kế hoạch, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngày 2.7, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết Sở đang triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xuống các quận, huyện, TP.Thủ Đức để xét duyệt. “Sở yêu cầu chậm nhất trong 3 tuần phải hỗ trợ cho người dân”, ông Tấn nói.
Về thủ tục nhận hỗ trợ, ông Tấn nói rằng NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương thì chủ doanh nghiệp (DN) sẽ lập danh sách gửi đến cơ quan BHXH nơi DN trú đóng. Sau đó, BHXH sẽ đối chiếu, xác nhận và chuyển về các phòng LĐ-TB-XH để trình cho Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức quyết định hỗ trợ.
Đối với NLĐ tự do, Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người tự làm như bán vé số, buôn gánh bán bưng… thì sẽ do tổ dân phố, tổ trưởng nơi cư trú lập danh sách gửi lên phường, xã, thị trấn để hội đồng xét duyệt. Tiếp đó, danh sách này được gửi lên UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức phê duyệt và chuyển ngược lại cho phường, xã và thị trấn để chi hỗ trợ người dân. Nhóm NLĐ làm việc tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, điểm kinh doanh thì chủ cơ sở lập danh sách gửi về phường, xã để được xét duyệt. Riêng các hộ kinh doanh cá thể tại Q.Gò Vấp, P.Thạnh Lộc (Q.12) và các khu vực bị phong tỏa, cơ quan thuế sẽ lập danh sách theo mã số thuế từng hộ để chi hỗ trợ.
Đối với mức hỗ trợ cụ thể, NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Phụ nữ đang mang thai và người nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. NLĐ tự do bị mất việc, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do giãn cách xã hội được nhận 50.000 đồng/ngày, thời gian tạm tính 30 ngày… Tổng dự toán kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên gần 554 tỉ đồng.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 28 về một số chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng) nên nhiều người dân thắc mắc có được nhận thêm gói hỗ trợ này hay không. Trả lời vấn đề này, ông Tấn cho hay NLĐ chỉ được nhận gói hỗ trợ cao nhất, bởi dù là gói hỗ trợ của Chính phủ hay của TP.HCM thì đều từ nguồn ngân sách. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu tỉnh thành nào có tỷ lệ điều tiết ngân sách trên 60% thì tự cân đối; hiện TP.HCM điều tiết 82% nguồn thu về ngân sách trung ương nên phải tự cân đối ngân sách để chăm lo đời sống NLĐ.
Ngày 2.7, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 4, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2021, các ngành, các cấp cần triển khai hỗ trợ có hiệu quả, nhanh chóng cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và chủ trương của TP. Dự kiến Sở LĐ-TB-XH trình duyệt khoản hỗ trợ tối đa là 50 tỉ đồng. Tương tự Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho hay đã giao Sở LĐ-TB-XH xây dựng phương án hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thanh Niên
Thanh niên
|