Gói hỗ trợ 26,000 tỷ đồng: Tinh giản các thủ tục và điều kiện để triển khai nhanh và kịp thời nhất
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định tại họp báo Chính phủ chiều ngày 1/7 liên quan đến gói hỗ trợ an sinh triển khai theo Nghị quyết số 68 (gói 26,000 tỷ đồng) hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19.
* Thủ tướng Chính phủ ký gói hỗ trợ 26,000 tỷ cho người lao động khó khăn vì dịch
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ khi có đại dịch Covid-19 đến nay, thống kê ban đầu của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội, ước tính số tiền chi cho các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khoảng 160,000 tỷ đồng.
Trong đó, Nghị quyết 42 đã có 14.4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39,000 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước hỗ trợ là 13,000 tỷ đồng
“Gói hỗ trợ mới (Nghị quyết 68) có thực hiện song song với gói của Nghị quyết 42 không? Tôi nói là không. Bởi gói hỗ trợ ở Nghị quyết 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020 tất cả các chính sách của gói này đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã theo chu kỳ ngân sách và Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Về thủ tục triển khai gói hỗ trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một Quyết định của Thủ tướng. “ Bộ Tư pháp sẽ thẩm định Quyết định của Thủ tướng để triển khai Nghị quyết này. Nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, trước đây gói an sinh ở Nghị quyết 42 là chính sách rất đặc thù, chưa có tiền lệ. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói này, gói hỗ trợ mới sẽ được tinh giản tối đa các thủ tục, điều kiện làm sao đơn giản, thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động, hiện chỉ cần một quyết định là doanh nghiệp đến cơ quan bảo hiểm xã hội, đưa toàn bộ danh sách đã đóng hằng tháng. Sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ ra quyết định hỗ trợ luôn.
“Chúng tôi cũng quy định rất rõ thời gian, như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Liên quan đến việc bổ sung nhóm lao động tự do ở gói hỗ trợ mới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước đó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do, vì đây là một trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng khó triển khai nhất.
Theo Bộ trưởng, thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này cũng sẽ khó khăn như vậy.
“Chúng tôi đã làm việc với TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều nhận được sự ủng hộ, và hôm nay Chính phủ đã thống nhất có hỗ trợ nhóm đối tượng này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho hay, Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách của mình để chủ động xây dựng kinh phí, mức tiền và xác định đối tượng.
Theo đó, Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.5 triệu đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50,000 đồng. Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh. Về ngân sách cho gói hỗ trợ lao động tự do, sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng.
Nhật Quang
FILI
|