Thủ tướng Chính phủ ký gói hỗ trợ 26,000 tỷ cho người lao động khó khăn vì dịch
Chiều 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng giá trị của gói hỗ trợ lần này khoảng 26,000 tỷ đồng, cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã cung cấp một số nội dung của Nghị quyết 68/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong một đối tượng không hỗ trợ 2 lần
Theo đó, ông nhận định dịch bệnh đang tác động phức tạp đến người lao động, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính phủ đã dành 2 buổi thảo luận về các chính sách này. Đối tượng chính là người lao động và người sử dụng lao động.
Nghị quyết đề ra 4 nguyên tắc, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, công khai minh bạch, thiết kế chính sách đơn giản nhất, dễ nhất để tiếp cận chính sách.
Ông nhấn mạnh thủ tục hành chính giảm 2/3. Nguyên tắc tiếp theo là đảm bảo khả thi, trong một đối tượng không hỗ trợ 2 lần, trừ một số đối tượng ưu tiên như phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em điều trị Covid-19…
Chính phủ đề ra 12 nhóm chính sách gồm: Miễn, giảm đóng bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Chính sách hiện nay là người sử dụng lao động đóng 0.5% mức lương vào quỹ này. Chính phủ sẽ giảm cho tất cả các người đóng bảo hiểm tai nạn, mà thực chất là giảm cho người sử dụng lao động. Thời gian giảm là 12 tháng, nhưng người lao động vẫn hưởng toàn bộ chính sách trong người lao động.
Theo đó, có khoảng 11 triệu người được thụ hưởng, số tiền khoảng 3,800 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền giảm đóng, người sử dụng lao động có thể dùng để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.
Chính sách thứ hai, hỗ trợ người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Ông Dung nhấn mạnh giảm tiêu chí áp dụng, chỉ cần doanh nghiệp giảm doanh thu 15% là được miễn.
Người lao động chấm dứt lao động được hỗ trợ 3.7 triệu đồng/người
Ngoài ra, còn chính sách dành cho người lao động ngừng việc do cách ly y tế và thuộc vùng phong tỏa, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Chính phủ cũng hỗ trợ người lao động chấm dứt lao động, hưởng một lần 3.7 triệu đồng/người. Với trẻ em và phụ nữ mang thai, như công dân bình thường, thì ngoài các chính sách trên, còn hưởng thêm 1 triệu đồng/người.
Chính phủ hỗ trợ tiền ăn 80,000 đồng/ngày với toàn bộ người lao động đang điều trị bệnh Covid-19 và bị cách ly y tế (là F1). Tổng số ngày không quá 45 ngày.
Chính phủ hỗ trợ các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn…, đang có bậc nghề bậc 4 mà phải mất việc từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền để chống dịch. Thời gian áp dụng từ 1/5 đến 31/12, mức hỗ trợ 3.7 triệu đồng/người.
Với hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề, mà bị mất việc trên 15 ngày từ 1/5 đến 31/12 hỗ trợ một lần 3.7 triệu đồng. Chính phủ cũng hỗ trợ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) bị đóng cửa từ 15 ngày trở lên, bị dừng hoạt động cho các cơ quan thẩm quyền quyết định do ảnh hưởng của dịch (trong khoảng 1/5-31/12), được ngân sách hỗ trợ 3 triệu đồng.
Với lao động tự do, Chính phủ cho phép các tỉnh căn cứ năng lực ngân sách của riêng mình, các tỉnh xây dựng tiêu chí, mức tiền hỗ trợ, không thấp hơn 1.5 triệu đồng/người, hoặc không thấp hơn 50,000 đồng/người/ngày.
Ông Dung cũng biết Chính phủ mong muốn Nghị quyết bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.
Từ 27/4 đến nay, 9.1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540,000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm. Khoảng 19.2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp. Lao động ở các khu công nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng lao động khó có thể chống chịu trong thời gian dài.
Nhật Quang
FILI
|