Thứ Sáu, 23/07/2021 13:08

Chứng khoán không còn 'mua là thắng', nhà đầu tư cần làm gì?

Nếu những đợt dịch trước, người tham gia chứng khoán hễ “mua là thắng”, do có nhiều người ở nhà và tiền rẻ đổ vào thị trường này, thì ở đợt dịch thứ 4, tình hình lại khác.

VN-Index đã giảm 176.76 điểm, từ đỉnh 1,420.27 điểm ngày 02/07 xuống còn 1,243.51 điểm ngày 19/07, không tăng như những đợt dịch trước. Nhiều mã cổ phiếu đã giảm giá.

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về triển vọng của thị trường chứng khoán. Có người cho rằng: “Đỉnh chứng khoán đã được xác lập và từ giờ chỉ là downtrend ”. Lại có người nói: “Dịch giã thế này, chỉ biết đánh chứng, chứ biết làm gì bây giờ. Chỉnh vài phiên rồi lại tăng thôi”.

Tâm lý hoang mang lan khắp sàn chứng. Trên một diễn đàn chứng khoán nọ, một nhà đầu tư cho hay: “Nhỏ lẻ chạy mất dép hết rồi. Chơi cổ rác là âm 30%, cổ tốt cũng âm 20%”. Một nhà đầu tư khác cho biết: “Đang lãi 100 triệu đồng, mấy hôm ngoảnh đi ngoảnh lại còn lãi 100 ngàn. Có bác nào như em không?”. Một nhà đầu tư nữa nói: “3 phiên bay hết thành quả 3 tháng, không những mất thành quả, sợ mất luôn vốn đấy ạ”.

Cũng trên diễn đàn này, nhà đầu tư đặt câu hỏi: “TPHCM giãn cách, thị trường (chứng khoán) sẽ tăng hay giảm, cả nhà nhỉ?”. Và câu trả lời nhận được là: “Chưa tăng được đâu, hiệu ứng tuyết lở còn kéo dài trong bối cảnh tâm lý thị trường không có điểm sáng”, “Đoạn này rủi ro cao. VN-Index về 1,000-1,100 là hợp với kinh tế quý 3. Mình đã bán xả hết 2 tuần trước. Không chơi nữa, giữ tiền phòng dịch kéo dài, nghỉ làm còn có tiền mua đồ ăn”…

Thế nhưng, cũng có người cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trở lại.

Tất nhiên, hầu hết đều chỉ dừng lại ở mức độ phán đoán.

Tâm lý nhà đầu tư bị thử thách

Dù tăng, giảm là một phần của thị trường nhưng những đợt điều chỉnh mạnh như vậy đều mang lại tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư, có lúc khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là những người mới tham gia thị trường. Những quan ngại cho rằng VN-Index đã lập đỉnh sau thời gian dài tăng giá đã dẫn đến những quyết định bán cắt lỗ, gây thua thiệt nặng nề.

Có thể nói 3 tuần qua, tâm lý nhà đầu tư trải qua cuộc thử thách lớn. Sự giảm điểm nói trên là khá bất ngờ và gần như trái với kỳ vọng của giới đầu tư khi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới.

Theo các nhà đầu tư lâu năm, cân bằng được tâm lý là yếu tố quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Dù tài khoản tăng hay giảm mạnh, nhà đầu tư cũng đừng nên để nó chi phối mạnh đến tâm lý.

Nhà đầu tư cần làm gì để được và mất dễ chấp nhận hơn?

Đa số cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng thị trường chung, nhiệm vụ của nhà đầu tư là kiếm tiền trong xu hướng tăng giá và rút khỏi khi xu hướng giảm giá xuất hiện. Xu hướng thị trường thường diễn ra trong một thời gian đủ dài, nếu nắm bắt đúng xu hướng, nhà đầu tư có nhiều cơ hội chiến thắng và tự tin hơn khi giải ngân.

Nhờ vào những nguyên tắc xác định xu hướng thị trường, nhà đầu tư sẽ có sự tính toán tốt hơn, bình tĩnh hơn trong những đợt điều chỉnh, từ đó dễ nhìn thấy cơ hội trong rủi ro và nắm bắt cơ hội khi phần lớn nhà đầu tư đều lo sợ.

Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư cần xác định được xu hướng chủ đạo và hiểu rằng sự điều chỉnh là cần thiết, kể cả trong giai đoạn thị trường đi lên (uptrend). Trong một xu hướng lớn, sự điều chỉnh có thể kéo dài hàng tháng, và vẫn được coi là cơ hội để tích lũy và gia tăng tài sản tốt. Để làm được điều này, nhà đầu tư phải thật kiên nhẫn để có đủ “lực lượng” khi cần thiết. Trong trường hợp thực sự gãy xu hướng tăng, nhà đầu tư nên thoát ra, tìm kênh đầu tư khác.

Khi thị trường giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư dễ tiêu cực, chán nản. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các góc nhìn tích cực: Giảm cũng là cơ hội, chứ không chỉ tăng. Ở thời điểm này, nhà đầu tư cần quan sát thêm thị trường để nắm bắt rõ xu hướng. Chỉ khi có phương pháp đầu tư chuẩn mực, biết cách quản trị rủi ro, điều khiển được cảm xúc, thì mới có thể nhìn thấy quả ngọt ở cuối con đường.

Gia Nghi

FILI

Các tin tức khác

>   Tiền rút ra có vào lại không - trước mắt có thể là không (05/07/2021)

>   Người kiếm tiền từ những cổ phiếu sụp đổ (29/06/2021)

>   Dòng tiền và độ rộng thị trường có còn ủng hộ đà tăng? (28/06/2021)

>   Những bài học lớn cho nhà đầu tư chứng khoán rút ra từ đại dịch Covid-19 (26/06/2021)

>   Dữ nhiều lành ít FOMO (25/06/2021)

>   Mua cổ phiếu ngày chốt quyền có trở thành xu hướng đầu tư mới? (25/06/2021)

>   Gia nhập thị trường chứng khoán: Bắt đầu từ đâu? (25/06/2021)

>   Nghẽn lệnh sàn HOSE: Chúng ta vẫn nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi (24/06/2021)

>   Những khoản phí, thuế nhà đầu tư phải trả khi giao dịch chứng khoán cơ sở (22/06/2021)

>   Sức mạnh của dòng tiền F0 (15/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật