Thứ Sáu, 25/06/2021 11:00

Mua cổ phiếu ngày chốt quyền có trở thành xu hướng đầu tư mới?

Trong phiên cuối tháng 5/2021, thị trường ngỡ ngàng khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) bỗng tăng trần với thanh khoản gấp đôi phiên trước dù hôm đó là ngày chốt quyền chia cổ tức, cổ đông sẽ không hưởng quyền cổ tức. Hai mã VND của Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) và ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) cũng ghi nhận trường hợp tương tự.

Cụ thể, VNDACB có cùng ngày chốt quyền là ngày 10/06 và tại phiên hôm đó, thanh khoản hai mã này đều tăng đột biến so với phiên trước (09/06). Ở VND, khối lượng giao dịch trong phiên đạt hơn 18 triệu cp, gấp 2.5 lần phiên 09/06, còn với ACB, thanh khoản mã này đạt hơn 15 triệu cp, tăng 23%.

 

Điểm chung ở chính sách cổ tức của ba doanh nghiệp kể trên là đều liên quan đến việc phát hành thêm cổ phiếu. Nhà đầu tư mua cổ phiếu lúc này đồng nghĩa với việc chấp nhận pha loãng cổ phiếu.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tại ngày chốt quyền, thị giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh giảm theo mức độ pha loãng. Nhà đầu tư có vốn nhỏ lúc này có thể canh mua vì giá cổ phiếu đã trở nên "hợp túi tiền" hơn, đồng nghĩa với cùng một số vốn, họ sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn so với trước điều chỉnh.

Tính từ đầu năm 2021 đến trước ngày chốt quyền, thị giá cổ phiếu HPG đã tăng gần 59%
(theo giá điều chỉnh)
Tính từ đầu năm 2021 đến trước ngày chốt quyền, thị giá cổ phiếu VND đã tăng gần 91%
(theo giá điều chỉnh)
Nguồn: VietstockFinance
Tính từ đầu năm 2021 đến trước ngày chốt quyền, thị giá cổ phiếu ACB đã tăng hơn 48%
(theo giá điều chỉnh)
Nguồn: VietstockFinance

Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh thị trường chuyển biến tích cực, nhiều cổ phiếu tốt đã trở nên đắt đỏ hơn. Đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư đã quyết định mạnh tay mua vào trong ngày chốt quyền, bởi đây là thời điểm cổ phiếu có mức giá hấp dẫn hơn (nhờ điều chỉnh).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nhà đầu tư canh mua cổ phiếu ngày chốt quyền, ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, những mã cổ phiếu nhà đầu tư canh mua ngày chốt quyền như HPG, ACB, VND đều là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nên việc nhà đầu tư mua thêm cổ phiếu là hợp lý.

Khoản 4, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chia cổ tức

Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

Tuy nhiên, do việc chia cổ tức bị hạn chế bởi phải mất một khoảng thời gian thì cổ tức mới về tài khoản nên ông Minh cho rằng, việc nhà đầu tư chọn thời điểm mua vào là ngày chốt quyền thể hiện nhà đầu tư vừa muốn mua cổ phiếu với giá tốt vừa muốn cổ phiếu có sự linh động, liên quan tới rủi ro thanh khoản của cổ phiếu. Vì nếu mua trước ngày chốt quyền, không chỉ giá cổ phiếu cao hơn mà khả năng đến khi nhận được cổ tức thì thị trường lại điều chỉnh, nhà đầu tư muốn bán cũng không bán được, nhất là trong bối cảnh thị trường thường xuyên rung lắc như hiện nay. Về nguy cơ pha loãng, ông đánh giá đây được xem là rủi ro khi doanh nghiệp có nền tảng không tốt, hoạt động thiếu ổn định khiến giá trị cổ phiếu khó xác định.

VN-Index từ sau khi lập đỉnh lịch sử (04/06) bắt đầu xuất hiện nhiều phiên điều chỉnh, hai phiên sau khi lập đỉnh (08/06), tâm lý chốt lời đã khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, VN-Index mất gần 40 điểm (giảm 2.86%) so với phiên trước đó. Dù chỉ số đã dần phục hồi nhưng nguy cơ điều chỉnh vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý 2/2021 của nhiều doanh nghiệp.

Với sự khó đoán định của thị trường chứng khoán hiện nay, việc nhà đầu tư lựa chọn mua cổ phiếu ngày chốt quyền để có lợi thế về giá và kiểm soát rủi ro thanh khoản là có thể hiểu được. Tuy nhiên, liệu khẩu vị đầu tư này có đem lại lợi nhuận hay không vẫn phải đợi chờ thời gian trả lời.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Gia nhập thị trường chứng khoán: Bắt đầu từ đâu? (25/06/2021)

>   Nghẽn lệnh sàn HOSE: Chúng ta vẫn nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi (24/06/2021)

>   Những khoản phí, thuế nhà đầu tư phải trả khi giao dịch chứng khoán cơ sở (22/06/2021)

>   Sức mạnh của dòng tiền F0 (15/06/2021)

>   FPT: Hệ thống giao dịch mới sẵn sàng chạy từ tháng 7 (14/06/2021)

>   Mark Mobius: “Sự điên rồ trên TTCK xuất phát từ sự mất phương hướng của nhà đầu tư” (10/06/2021)

>   'Bịt mắt bắt dê' trên sàn chứng khoán HOSE (09/06/2021)

>   Nhà đầu tư chứng khoán phẫn nộ đề nghị lãnh đạo HoSE từ chức (08/06/2021)

>   Đặt nhầm lệnh: Kẻ cười người khóc (11/06/2021)

>   Sống ở phố tài chính  (06/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật