Thứ Hai, 14/06/2021 06:40

TP.HCM: Mặt bằng nhà phố cho thuê ế ẩm

Mặt bằng nhà phố cho thuê trên các tuyến đường trung tâm tại TP.HCM, khu vực quận 1, quận 3 ghi nhận sự bỏ trống ngày càng nhiều. Theo Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ đang đối diện với một thử thách lớn chưa bao giờ có...

 

Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh được dự đoán không chỉ là “cú đấm thép”  đối với tình hình kinh tế xã hội, mà còn là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố.

NHU CẦU THUÊ MẶT BẰNG NHÀ PHỐ GIẢM MẠNH

Theo thống kê của batdongsan.com.vn, nhà phố mặt tiền cho thuê đang trong tình trạng “xuống dốc”, nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động giao dịch của phân khúc này tại TP.HCM vẫn rất ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu như tháng 1/2021, lượng tin rao cho thuê nhà riêng, nhà phố giảm 32-34%, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê cũng tiếp tục giảm 16% so với tháng 12/2020. 

Đến tháng 4/2021, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong giảm tiếp 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng/ki-ốt giảm khoảng 25% so với tháng 3.

Báo cáo thị trường bất động sản của đơn vị này trong tháng 5 cũng tiếp tục ghi nhận mức giảm 20% đối với nhu cầu tìm kiếm thuê mặt bằng nhà mặt phố, trong khi các chủ nhà cũng giảm lượng tin rao cho thuê 19% so với tháng 4.

 

Đồng thời, giá thuê liên tục giảm. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá cho thuê mặt bằng nhà phố giảm 10-20%, đến tháng 7/2020, giảm thêm 25-35%. Đến tháng 2/2021, giá cho thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn giảm 50% so với năm 2019.

Giá giảm vẫn không thoát khỏi tình trạng mặt bằng để trống do không có khách thuê. Ngay cả các con phố sầm uất trước đây tại quận 1, như: đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi tỷ lệ lấp đầy đều giảm.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến tình trạng kinh doanh tiếp tục khó khăn, buộc các chủ nhà phố phải đồng ý giảm 20-40% giá thuê, nhằm giữ được hợp đồng thuê.

Theo Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ đang đối diện với một thử thách lớn chưa bao giờ có, khi chủ nhà không còn là người nắm thế thượng phong và cần có những biện pháp chuyển mình để sinh tồn. Còn các khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM chia sẻ: một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.

CÒN TIẾP TỤC ĐỐI MẶT VỚI KHÓ KHĂN 

Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại, và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.

Cùng với đó là việc các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức kinh doanh khi đẩy mạnh bán hàng online. Điều này khiến thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, đồng thời tiến hành trả mặt bằng để giảm chi phí.

Theo  bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý mặt bằng thương mại bán lẻ, Savills TP.HCM, tỷ lệ doanh thu bán trực tuyến của một số doanh nghiệp, nhất là ngành ăn uống, đang có tỷ trọng kênh online chiếm từ 20-60% tổng doanh thu.

Dù vậy, thị trường vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường bất động sản bán lẻ nói chung và mặt bằng nhà phố cho thuê nói riêng, trong dài hạn.

Vì nhu cầu tiêu dùng vẫn là hoạt động cơ bản của cuộc sống, dù rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch khi mức tăng trưởng này là 12% năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tại thành phố cũng tăng gần 10% so với cùng kỳ, ước đạt 255.561 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày TP.HCM thu về hơn 1.700 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hóa.

Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn đang tìm kiếm mặt bằng tại khu vực trung tâm TP.HCM cho kế hoạch mở rộng hay thâm nhập thị trường Việt Nam.

Do vậy, đại diện Savills khuyến nghị đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đánh giá lại kết quả kinh doanh các cửa hàng vật lý và có thể thay đổi các mặt bằng tốt hơn với giá thuê tương đồng hoặc thuận lợi thuê được các nhà phố với các điều khoản thuê tốt.

Ban Mai -

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Lướt sóng đất nền hết thời, nhà đầu tư lại đổ dồn sang chung cư? (10/06/2021)

>   Đợt dịch Covid-19 mới ảnh hưởng thị trường BĐS như thế nào? (10/06/2021)

>   Sốt đất, bong bóng bất động sản và kiểm soát vốn đầu tư (10/06/2021)

>   'Làn sóng' căn hộ vùng ven TP.HCM hạ nhiệt (10/06/2021)

>   Xuất hiện chung cư giá sốc: Căn hộ hạng sang đắt đỏ, ai mua? (08/06/2021)

>   Quãng đường đen tối của ngành khách sạn (08/06/2021)

>   Cảnh báo khủng hoảng thừa đối với bất động sản công nghiệp (08/06/2021)

>   Giá căn hộ mới ở ngoại ô TP.HCM vượt mốc 60 triệu đồng/m2 (06/06/2021)

>   Quy định mới cá nhân được nhận thế chấp sổ đỏ (06/06/2021)

>   Bất chấp làn sóng COVID-19 lần thứ 4, bất động sản công nghiệp vẫn khởi sắc (06/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật