“Làn sóng” đóng cửa lại tiếp tục nổi lên trên thị trường khách sạn. Ở lần này, ngay cả những người chủ đã bền gan mở cửa khách sạn xuyên suốt trong hơn một năm vắng khách vừa qua cũng đành phải ngậm ngùi dừng hoạt động.
Một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng. Ảnh: Đào Loan
|
Hồi chưa có dịch Covid-19, trong những câu chuyện phiếm, cánh phóng viên du lịch thỉnh thoảng nhắc lại chuyện của một đồng nghiệp cũ để cười cho vui và cũng là nhắc nhở về sự cẩn trọng cần phải có của nghề. Đó là, có anh phóng viên nọ đã khiến những người điều hành một khách sạn hạng sang tại TPHCM “hết hồn” vì đưa tin nơi này ế ẩm trong khi khách sạn vẫn đầy khách.
Hỏi kỹ thì mới biết, phóng viên đó không phỏng vấn người điều hành mà chỉ căn cứ vào số lượng phòng sáng đèn vào ban đêm để đánh giá tình hình. Trong mấy buổi tối mà anh ấy quan sát, chỉ có vài phòng trong hơn 500 phòng của khách sạn này sáng đèn cho nên đã nhận định là “ế” nhưng thực tế là du khách đã ra ngoài tham quan thành phố.
“Chị vẫn còn nhớ câu chuyện ấy à? Hiện giờ thì có thể nhìn số phòng sáng đèn mà đánh giá khả năng hoạt động của khách sạn đấy. Hàng loạt khách sạn tối thui vì chẳng còn khách để mà bật đèn”, người phụ trách kinh doanh của một khách sạn cao cấp tại trung tâm TPHCM nói với Kinh tế Sài Gòn vào thứ Sáu tuần trước, vài ngày trước khi thành phố bắt đầu đợt giãn cách 15 ngày để ngăn dịch.
Khách sạn không thể sáng đèn
Lúc đó, các ca nhiễm SARS-CoV-2 tại thành phố bắt đầu tăng. Công suất phòng của khách sạn này chỉ còn 2%. Các phòng hội nghị, nhà hàng, quán cà phê cùng các dịch vụ khác không thể hoạt động vì chính quyền thành phố yêu cầu tạm dừng. Đến gần cuối giờ sáng ngày Chủ nhật, một ngày trước khi thực hiện giãn cách, công suất xuống bằng 0.
“Khách sạn vắng như chùa Bà Đanh. Tháng sau không biết phải tính sao”, ông nói và cho biết, trong đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 năm ngoái, khách sạn vẫn còn một ít khách lưu trú và khoản tiền dự phòng nhưng nay tất cả là con số 0.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, đặc biệt là trận dịch tại TPHCM hiện tại đã thổi bay hy vọng về tăng trưởng của thị trường nội địa trong mùa du lịch hè cùng cơ hội dần đón khách quốc tế trở lại vào cuối năm nay.
Đầu tuần trước, một công ty du lịch lớn đã bắt đầu thực hiện kế hoạch gọi là “tạm thời thu hẹp hoạt động kinh doanh” nhưng thực chất là tạm ngừng hoạt động một số khách sạn 4, 5 sao ở đường Đồng Khởi và phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng một khách sạn ở quận 5 nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo yêu cầu của công ty mẹ, các khách sạn tạm ngừng hoạt động chuyển toàn bộ số lượng đặt chỗ của khách lưu trú trong thời điểm hiện tại và trong thời gian tạm ngừng hoạt động (chưa biết đến bao giờ) cho một số khách sạn trong hệ thống nhưng hiện chẳng có yêu cầu đặt chỗ nào để mà chuyển.
Sự đìu hiu của thị trường khách sạn cũng có thể ghi nhận một phần từ số lượng khách sạn đăng ký bán phòng trên các ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Chẳng hạn, quan sát Booking.com, kênh được xem là có nhiều khách sạn bán phòng nhất trên thị trường sẽ thấy số lượng khách sạn sụt giảm rất mạnh. Khi dịch mới xảy ra vào đầu năm ngoái, có đến 5.000 khách sạn lớn, nhỏ tại TPHCM bán phòng trên ứng dụng này. Sau một thời gian, danh sách này dần lại ngắn lại và cho đến tối thứ Hai này, khi Kinh tế Sài Gòn ghi nhận lại số liệu thì toàn thành phố chỉ còn 1.900 khách sạn.
“Phải từ hai đến ba tháng sau khủng hoảng thì mới có thể thấy số liệu thay đổi trên các kênh trực tuyến nhưng thực tế là số lượng khách sạn tham gia thị trường đã giảm mạnh qua mỗi đợt dịch”, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa nói.
Doanh nghiệp tính buông tay
Vài ngày trước khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM thông báo về việc thành phát hiện chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại một giáo phái, vụ việc mở đầu chuỗi lây nhiễm nghiêm trọng tại TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn về chuyện làm ăn trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư trên cả nước, một số doanh nhân cho biết, đang tính đến chuyện cho thuê thậm chí là bán khách sạn.
“Tôi nghĩ đến chuyện bán khu nghỉ dưỡng duy nhất ở Huế từ sau Tết Nguyên đán vì thấy đợt dịch này sẽ trầm trọng. Dịch quá dài, tôi cần nguồn quỹ để duy trì”, ông nói.
Theo ông, việc thiếu vaccin để chống lây nhiễm sẽ khiến cho mảng du lịch trong nước đình trệ còn mảng quốc tế thì có thể sẽ chẳng có hy vọng gì cho đến cuối năm sau. Trong các dịch vụ mà công ty đang kinh doanh gồm du lịch và liên quan đến du lịch thì ông chọn ngừng mảng khách sạn vì “chỉ có khách sạn mới bán được chứ bán dịch vụ lữ hành thì ai mua?”.
Vào ngày 24-5 rồi, ông bắt đầu làm hồ sơ định giá nhằm chào bán chính thức. Trong mấy tháng dọ giá, đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước hỏi mua, ước chừng khu nghỉ hơn 100 phòng, kinh doanh rất tốt trước thời điểm dịch Covid-19 của công ty có thể bán được khoảng 250 tỉ đồng.
“Tôi phải bán xong trong khoảng 3-4 tháng tới, có thể dịch sẽ làm giá bán thấp hơn một chút nhưng phải bán”, doanh nhân này nói.
Tại TPHCM và nhiều trung tâm du lịch khác như Đà Lạt, Vũng Tàu... cơn sóng ngầm mua, bán khách sạn vẫn âm ỉ. Số lượng rao bán, đặc biệt là các khách sạn nhỏ và vừa ngày càng nhiều hơn nhưng hiếm có nơi nào công bố giao dịch thực tế để có những đánh giá tổng thể về thị trường.
Tuy nhiên, với mảng cho thuê khách sạn, đặc biệt là các khách sạn cỡ vài chục phòng thì thông tin về suy giảm thể hiện rõ rệt. Giá thuê tại nhiều nơi, trong đó những vị trí đắc địa ở TPHCM đã giảm một nửa, thậm chí hơn mà vẫn không tìm được khách thuê.
“Làn sóng” đóng cửa, tạm ngừng hoạt động của các chủ khách sạn trong đợt bùng phát dịch lần này tiếp tục khiến người lao động, đặc biệt là những người làm việc ở những vị trí thấp lao đao vì mất việc làm. Khoảng giữa tháng 4 năm ngoái, lúc cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, Sở Du lịch TPHCM có báo cáo cho biết, trong số 28.000 lao động đang làm việc trong các cơ sở lưu trú, có đến 19.587 người phải tạm ngừng việc, 830 người nghỉ việc, số còn lại được phân công nghỉ luân phiên. Hiện tại, chưa có báo cáo chính thức nào về số lao động trong ngành khách sạn phải mất việc sau bốn đợt dịch nhưng nhiều doanh nhân cho biết, số lượng này chỉ có tăng chứ không thể giảm.