NHNN yêu cầu TCTD công khai mức lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được biết
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biên pháp hỗ trợ khác, đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Đây là một trong những nội dung của văn bản số 3947/NHNN-TD do NHNN ban hành ngày 03/06/2021 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19
Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, ...) triển khai các nội dung:
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 50/2010/QĐ-TTg.
Công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết
Cùng với đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
Hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.
Mặt khác, tích cực hưởng ứng, ủng hộ các Quỹ phòng, chống dịch, Chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung; Có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các chi nhánh TCTD trên các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu, chỉ đạo toàn thể cán bộ, người lao động tại chi nhánh nghiêm túc thực hiện đúng theo các chi đạo và quy định về phòng chống dịch; chỉ đạo, đôn đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do dịch Covid-19.
Ngoài ra, thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên đia bàn các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Kịp thời báo cáo NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Riêng đối với NHNN chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, NHNN yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phản ánh ngay về Trung ương để được hướng dẫn, xử lý.
Đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc bằng hình thức trực tuyến
Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo bộ phận đăng ký giao dịch bảo đảm của văn phòng đăng ký đất đai có giải pháp để tiếp nhận xử lý các hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng; các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hướng dẫn cụ thể về phương thức gửi và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để ngân hàng có thể đăng ký giao dịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng; đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc bằng hình thức trực tuyến tại trung tâm hành chính công, quy định thời gian xử lý để cán bộ ngân hàng và khách hàng được biết và chủ động xử lý công việc trong giai đoạn dịch bệnh.
Khang Di
FILI
|