Giả vờ chuyển nhầm tiền để lừa đảo, cho vay nặng lãi?
Người chuyển nhầm tiền hay nhận tiền chuyển nhầm của người khác vào tài khoản phải làm gì để tránh bị gây phiền khi có những cảnh báo kịch bản lừa đảo cho vay nặng lãi hay chiếm đoạt tiền trên tài khoản.
Khi nhận nhầm tiền chuyển khoản, khách hàng chủ động liên hệ ngân hàng để được giải quyết. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chuyển nhầm tiền để cho vay nặng lãi, lừa đảo
Anh H. (TP.HCM) thông tin cảnh báo trên mạng xã hội về một kịch bản lừa đảo: "Cẩn thận nhé cả nhà. Chiêu rất mới. Chủ nhật vừa rồi tài khoản ngân hàng của mình tự nhiên nhận được khoản tiền trị giá 20 triệu đồng với nội dung “cô d mượn”. Truy tìm mãi không biết ai gởi tiền thì có một phụ nữ gọi điện thoại nói là chuyển nhầm và xin lại tiền. Tiền này đang chuyển gấp để làm phẫu thuật cho con. (Chú ý là nó sẽ có rất nhiều phương thức để thúc vào tâm lý mình phải chuyển lại tiền sớm). Chuyển nhầm thì đương nhiên phải trả lại rồi. Tuy nhiên mình cũng cẩn thận và có chút ít kiến thức ngân hàng nên mình yêu cầu người chuyển nhầm phải có giấy xác nhận của ngân hàng rằng cô ta đúng là chủ tài khoản đó. Cô ta ấp úng và lặn luôn từ hôm qua tới giờ. Biết là có gì đó không ổn nên mình ra ngân hàng yêu cầu in sổ phụ và xem tiền của ai chuyển thì được biết đó là của một người đàn ông và chuyển từ Vietcombank với nội dung là cho d vay trong thời hạn 45 ngày. Phân tích vấn đề: Đây là một chiêu lừa. Nếu mình hấp tấp trả tiền cho người phụ nữ kia thì sau đó hết thời hạn 45 ngày, chủ tài khoản sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 20 triệu đồng cùng tiền lãi cắt cổ. Nếu bạn không trả thì sẽ cho xã hội đen tới quấy phá vì có bằng chứng chuyển tiền với nội dung cho vay trên điện thoại. Chiêu lừa kiểu này kể cũng cao tay... Chia sẻ để các bạn lỡ có ai chuyển nhầm tiền vào tài khoản thì biết cách xử lý nhé”.
Vào đầu tháng 5, Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ có trong tài khoản. Các đối tượng trong ổ nhóm này gồm Trương Huy Cường (SN 1993), Lê Minh Hoàng (SN 1998) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987), đều trú tại tỉnh Quảng Nam.
Thủ đoạn của nhóm này là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống ngân hàng. Sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào trang web giả mạo tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng. Trong vụ việc này, một người bị hại đã bị lấy đi 200 triệu đồng trên tài khoản. Để tránh bị truy vết, nhóm này chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game bài có máy chủ đặt tại nước ngoài.
Liên hệ ngân hàng, công an khi nhận tiền chuyển nhầm
Sau khi rà soát trên hệ thống, đại diện Vietcombank cho hay chưa có thông tin về vụ lừa đảo theo hình thức “chuyển nhầm tiền” như trên. Tuy nhiên nhà băng này cũng cảnh báo theo quy định của pháp luật, ngân hàng không được phép cung cấp thông tin của khách hàng cho người khác, ngoại trừ có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc người khác có được thông tin cá nhân (số điện thoại, số tài khoản ngân hàng...) của khách hàng và thực hiện “chuyển khoản nhầm” rồi yêu cầu chuyển trả là điều bất thường. Khách hàng gặp phải tình huống này cần liên lạc lại với ngân hàng và công an.
Theo một cán bộ ngân hàng lâu năm, việc lấy thông tin tài khoản, số điện thoại cá nhân của ai đó hiện nay không phải khó, nhất là những người buôn bán hàng trên mạng hay công bố thông tin này. Tuy nhiên mọi người cũng không nên quá hoang mang vì chiêu lừa đảo “chuyển nhầm tiền” để cho vay nặng lãi như trên khó xảy ra. Khi đã nói là lừa đảo thì không ai lại đi chuyển đến mấy chục triệu đồng vào một tài khoản xa lạ để rồi đi đòi tiền sau đó. Người chuyển tiền là tự nguyện chứ không phải bắt buộc, thêm vào đó nếu có đòi lãi cao “cắt cổ” đến mấy thì quy định theo luật cũng không quá 20%/năm.
Người nhận tiền báo công an đó là chuyển nhầm thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tuy nhiên để tránh phiền phức trong trường hợp nhận nhầm tiền như trên, chủ tài khoản nhận tiền có thể báo lên ngân hàng để được hỗ trợ xử lý. Phía bên ngân hàng sẽ xác định được tài khoản chuyển đến và trả lại, thay vì khách tự chuyển vào tài khoản theo hướng dẫn của người điện thoại đến yêu cầu không đúng với số tài khoản chuyển đến. Lúc này rất dễ xảy ra tranh chấp, phiền phức không đáng có. Đặc biệt, chủ tài khoản không thực hiện và làm theo bất cứ hướng dẫn nào qua điện thoại người tự xưng là nhân viên ngân hàng yêu cầu đăng nhập vào đường link để trả lại tiền chuyển nhầm. Thực tế, những đường link này là giả mạo ngân hàng để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thanh Xuân
Thanh niên
|