Làn sóng thất nghiệp mới trong dịch COVID-19
Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới người lao động trong mọi lĩnh vực, tiêu biểu là hàng không, đường sắt, du lịch... Hàng nghìn tiếp viên hàng không tạm nghỉ việc không lương, làm luân phiên, nhiều người phải làm thêm nghề khác…
Anh Nam Tiến bỏ nghề hướng dẫn viên đi làm shipper kiếm sống
|
Hàng nghìn tiếp viên tạm nghỉ việc
Chị Lê Thảo (Hà Nội) có hơn 15 năm làm tiếp viên hàng không nhưng chưa bao giờ chị “rảnh rỗi” như bây giờ. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, số giờ bay của chị giảm dần, có tháng không bay chuyến nào. Trang facebook cá nhân của chị chuyển trạng thái từ chỗ chia sẻ công việc trên chuyến bay, trải nghiệm thú vị trong và ngoài nước sang, giới thiệu và bán sản phẩm từ thời trang, mỹ phẩm, tới đồ ăn, thức uống... Bán hàng qua mạng thành kênh thu nhập chính của chị Thảo, bay chỉ thu nhập phụ.
Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines Phan Ngọc Linh cho biết, chỉ tính từ dịp lễ 30/4-1/5 tới nay, số chuyến bay của hãng đã giảm khoảng 500 chuyến/ngày xuống còn 70 chuyến/ngày (riêng đường bay Hà Nội - TPHCM chỉ còn 5-6 chuyến khứ hồi/ngày). Với việc TPHCM tạm thời giãn cách xã hội toàn thành phố, phong tỏa 1 số khu vực quận Gò Vấp, đã có 204 tiếp viên của đoàn bay này nằm yên tại nhà. Ông Linh dự tính, hiện tỷ lệ lấp đầy ghế chuyến bay đi/đến TPHCM chỉ 40-50%, và sẽ còn giảm sâu hơn.
“Do chuyến bay giảm, hiện bình quân mỗi tháng chỉ có khoảng 8% trong tổng số 3.182 nhân sự đoàn tiếp viên đi làm, số còn lại nghỉ luân phiên, hoặc tạm nghỉ việc không lương 1-6 tháng”, ông Linh nói. Như vậy, có tới hàng nghìn tiếp viên hàng không đang tạm dừng việc làm. Trước khi dịch bùng phát lần thứ 4 (trước 30/4 - 1/5), ông Linh tính toán sẽ có khoảng 1.700 tiếp viên trở lại làm việc trong tháng 6 này, nay kế hoạch chỉ còn 300-400 tiếp viên luân phiên làm và có thể giảm thêm.
Theo ông Linh, năm 2020, một số tiếp viên phải tạm dừng việc còn được hỗ trợ theo chính sách mất việc làm của Chính phủ. Giờ đây, đoàn tiếp viên phải cân đối để tháng làm tháng nghỉ, ưu tiên người khó khăn được bay để có thu nhập. Mỗi tiếp viên chỉ bay bình quân 30-40 giờ/tháng, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines chia sẻ, trước đợt dịch bùng phát, ông có đi dự 1 sự kiện của công ty tại TPHCM, bất ngờ gặp “lính” của mình làm thêm tại sự kiện đó.
Theo ông Linh, có tiếp viên tạm nghỉ việc thì đi bán bất động sản, làm sự kiện, có trường hợp đi chuyển hàng (shipper), bán hàng qua mạng, làm đồ ăn bán trực tuyến. Có trường hợp gia đình có điều kiện, có nghề khác thì tạm nghỉ về giúp gia đình... “Nhiều tiếp viên khó khăn chúng tôi đứng ra sắp xếp cho về chung phòng trọ để chia tiền nhà, hoặc sắp xếp các em bay các chuyến có thể về nhà ở, thay vì tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Đơn vị cũng dùng các quỹ phúc lợi để chi thêm hỗ trợ cho những tiếp viên khó khăn”, ông Linh nói.
Hướng dẫn viên Lưu Việt Dũng (sinh năm 1988, quê Thái Nguyên) bán hàng online khi dịch bùng phát. Ảnh: Ngọc Mai
|
Với ngành đường sắt, hiện tại, tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ khai thác 2 đôi tàu mỗi ngày. Thiếu việc làm, nhiều lao động đã nghỉ việc. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 66 người nghỉ việc, mỗi tháng có khoảng 550 lao động tạm hoãn hợp đồng. Tương tự, tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, quý 1/2021 có 33 lao động nghỉ việc.
Hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề
Nghỉ không lương, không chế độ, nhiều hướng dẫn viên du lịch phải tìm đủ đường xoay xở.. Có người đi theo làm sale (bán hàng) bất động sản, người bán hàng online, thậm chí làm shipper (nhân viên giao hàng).
Anh Lưu Việt Dũng (sinh năm 1988, quê Thái Nguyên) có 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Việt đi nước ngoài và làm cho một công ty du lịch lớn. Tuy nhiên, khi dịch COVID thứ hai, anh cùng nhiều đồng nghiệp rơi vào tình cảnh phải nghỉ việc chờ dịch qua: “Trước đây, tôi thường thức khuya dậy sớm, di chuyển đường dài thường xuyên, rất ít có thời gian ở nhà. Thu nhập ổn định ở mức 700.000- 800.000 đồng/ngày (đi tua ngày nào thì tính lương ngày đó). Mức thu nhập bình quân một tháng được khoảng 20 triệu đồng”, anh Dũng nói.
Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát lần thứ 4, hầu hết hướng dẫn viên đều lâm vào cảnh khốn khó. “Bây giờ Facebook hoặc Zalo của anhem chúng tôi hầu như không còn hình ảnh anh em cầm cờ, vui vẻ cùng đoàn khách ở những điểm tham quan. Thay vào đó là những hình ảnh quảng cáo bán hàng online, bán bảo hiểm, môi giới bất động sản, hoặc làm shipper”, anh Dũng nói.
Hỗ trợ lao động bị ảnh thưởng trực tiếp
Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành một bản đề xuất có nội dung hỗ trợ người lao động phải cách ly y tế phòng dịch COVID-19 theo chế độ ốm đau của Bảo hiểm xã hội. Nếu được thông qua, người lao động phải cách ly y tế có thể được hưởng chế độ ốm đau (chế độ này bằng 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội). Cơ quan soạn thảo tính toán, với mức đóng Bảo hiểm xã hội năm 2020 trung bình 5,6 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp cách ly y tế phòng dịch mà lao động nhận được là khoảng 175.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp có khoảng 300.000 lao động được hỗ trợ trong 21 ngày cách ly (tương ứng 18 ngày làm việc), tổng số tiền hỗ trợ sẽ là 945 tỷ đồng. Về điều kiện hưởng khoản hỗ trợ trên, cơ quan soạn thảo đề xuất, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính tới trước thời điểm cách ly. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng ở 1 số địa phương… Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 1/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả nước có 540.000 người mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng việc. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần này đã xâm nhập vào nhà máy trong khu công nghiệp, điển hình là 4 khu công nghiệp tại Bắc Giang tạm đóng cửa, hàng chục vạn lao động bị ảnh hưởng.
LÊ HỮU VIỆT
|
Theo anh Dũng, vì đặc thù của nghề hướng dẫn viên nên cơ bản nhận lương theo ngày. Vì vậy, khi không đi làm, hầu hết hướng dẫn viên đều không có thu nhập gì thêm khi các công ty du lịch đóng cửa, tất cả anh em đành phải xoay xở mọi ngành nghề để có thể trụ được qua đợt dịch này.
Hiện, Dũng làm cộng tác viên bán hàng online chỉ thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vợ Dũng đang ở nhà nghỉ sinh bé thứ 3, chi tiêu luôn trong tình trạng thâm hụt. “Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài tôi không biết sắp tới sẽ ra sao”, anh Dũng chia sẻ.
Quệt những giọt mồ hôi trên trán giữa cái nóng như thiêu như đốt ở Hà Nội, anh Nam Tiến (sinh năm 1982, quê Thái Bình) ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện công việc chính của tôi là làm shipper sau khi phải bỏ nghề hướng dẫn viên do dịch. Thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền ăn và ở trọ... Nhưng không làm nghề này cũng không biết làm nghề gì trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”.
Theo anh Tiến, anh gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch hơn 10 năm và năm 2010 có thẻ hướng dẫn viên quốc tế.
“Khi dịch bùng phát, 2 vợ chồng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhiều lúc tôi muốn bỏ về quê nhưng về quê càng đói hơn. Ở Hà Nội ít nhất một tháng còn kiếm được vài triệu trang trải cuộc sống”, anh Tiến cho hay.
Anh Nguyễn Trí Long (sinh năm 1988, Hà Nội), trước đây, làm hướng dẫn viên du lịch theo chế độ cộng tác viên cho Công ty Redtour. Từ khi có dịch, anh nghỉ hẳn không lương. Anh mở quán ăn vặt để trang trải cuộc sống nhưng vẫn nuôi hy vọng dịch sớm hết để quay lại với nghề du lịch. Anh vừa làm chủ quán vừa đi giao đồ ăn cho khách, anh Long nói.
Theo chia sẻ của đại diện một số công ty du lịch, thời gian để ngành du lịch có thể phục hồi phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Chắc chắn phải mất từ 1 - 2 năm nữa, du lịch mới có thể phục hồi trở lại.
Hữu Việt-Ngọc Mai
Tiền phong
|