Thứ Hai, 31/05/2021 08:54

Tiếp viên hàng không bỏ nghề, chạy xe công nghệ vì dịch Covid-19

Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, nhiều nhân sự trong ngành hàng không bị gián đoạn công việc, cắt giảm thu nhập. Một số bỏ nghề để tìm hướng đi mới.

Lần đầu tiên sau 4 năm công tác tại bộ phận check-in của một hãng hàng không, Hoàng My (sinh năm 1994) đón cái Tết 2021 ảm đạm chưa từng có vì không có thưởng.

Vừa đi làm được vài tháng với thu nhập chỉ bằng 1/3 so với trước dịch, My phải chuẩn bị tinh thần nghỉ không lương do đợt dịch mới bùng phát hồi cuối tháng 4.

“Trong tình cảnh các chuyến bay bị hủy, nhân sự dư thừa, công ty không yêu cầu nhưng ai muốn nghỉ thì đăng ký. Đi làm lương cũng thấp nên một số anh chị đồng nghiệp của mình tạm nghỉ về kinh doanh online, dạy tiếng Anh hay nhà có ôtô thì chạy thêm xe công nghệ”, My nói với chúng tôi.

tiếp viên hàng không chuyển nghề vì dịch ảnh 1
Nhân sự hàng không Việt phải tạm nghỉ, chuyển nghề vì dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo nữ nhân viên mặt đất, không ít người yêu nghề nhưng xin nghỉ hẳn ở hãng để tìm việc khác. Lý do là không giữ được mức thu nhập mong muốn, không thể trang trải cuộc sống hay quá dư dả thời gian.

Về phía My, cô đăng ký làm hết tháng 5 rồi nghỉ một tháng. Đây là lần thứ 4 cô gái 27 tuổi phải tạm nghỉ từ khi bùng dịch vào năm ngoái.

“Mình định 1 tháng nghỉ sẽ đi học thêm lớp MC, thi lại các chứng chỉ ngoại ngữ rồi tính tiếp”, cô nói.

Cố bám trụ với nghề

Nhớ lại lần đầu tiên phải nghỉ không lương vì dịch, My từng hoang mang, mất cân bằng cuộc sống. Cô phải lên kế hoạch thay đổi thói quen chi tiêu, hạn chế mua sắm, ăn uống, cà phê với bạn bè.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, My chuyển hẳn từ Hà Nội về quê sống cùng bố mẹ. Những đợt được đi làm, cô chịu khó di chuyển quãng đường xa mỗi ngày.

My cho hay ngoài vấn đề nghỉ không lương và cắt thưởng Tết, công ty cô vẫn đảm bảo các chế độ nằm trong thỏa thuận hợp đồng người lao động như khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm xã hội. Bởi vậy, trước mắt, nữ nhân viên mặt đất cố gắng bám trụ với nghề.

“Nếu tình hình dịch căng thẳng và kéo dài, mình dự định đi học về thiết kế hoặc về quê xin việc”, My cho hay.

tiếp viên hàng không chuyển nghề vì dịch ảnh 2
Nhiều lao động ngành hàng không cố bám trụ với nghề dù bị gián đoạn công việc, giảm mạnh thu nhập. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tình hình tài chính khó khăn của các hãng hàng không Việt do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thu nhập của nhân sự hàng không giảm mạnh.

Để tồn tại, các hãng bay phải cắt giảm tối đa chi phí, bao gồm cả tiền lương, thưởng cho lao động trong năm qua.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines, trong tháng 4/2020 toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, hãng có tới 50% nhân sự phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

Báo cáo tiền lương năm 2020 của Vietnam Airlines cho thấy lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, kế hoạch tăng lương định kỳ cũng phải hủy bỏ. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất dự kiến giảm lần lượt gần 48% và 44,5%. Tổng số lao động của hãng cũng ít hơn 1.600 người so với năm 2019.

Đó không phải là khó khăn riêng của nhân sự hãng Vietnam Airlines.

Đã 22 ngày nay, Thùy Linh (sinh năm 1994), tiếp viên một hãng hàng không, không có chuyến bay, phải nghỉ ở nhà.

“Trước dịch, mình bay khoảng 50-60 giờ. Hiện thời gian bay giảm tùy tháng, đỉnh điểm có tháng 0 giờ bay. Nếu bay lác đác được thì giảm khoảng 2/3”, Linh nói.

tiếp viên hàng không chuyển nghề vì dịch ảnh 3
Để tồn tại, các hãng bay Việt phải cắt giảm tối đa chi phí, bao gồm cả tiền lương, thưởng cho lao động trong năm qua. Ảnh:Hoàng Hà.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, Linh nói nhiều tháng cô phải chịu cảnh “ăn không ngồi rồi” như vậy. Đỉnh điểm là suốt 3 tháng phong tỏa, cô không được bay, không thể đi đâu hay làm gì.

“Thời gian đó, may mắn là công ty mình vẫn trả lương cơ bản cho nhân viên khi nghỉ. Cộng với tiền lương trước đó và bố mẹ trợ cấp thêm, mình vẫn đủ duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, những người gia đình không có điều kiện thì hơi chật vật”, Linh kể.

Không thể ngồi không đợi hết dịch, Linh bắt đầu nhập quần áo, phụ kiện và bán hàng online. Trước đó, cô chưa từng nghĩ sẽ làm công việc này.

Nhiều anh chị, bạn bè đồng nghiệp của nữ tiếp viên không chịu được ảnh hưởng từ đợt dịch nên bỏ nghề để kiếm việc khác.

Về phía Linh, công việc kinh doanh hiện tại chỉ đủ cho cô tiền ăn vặt. Tuy nhiên, cô cố gắng duy trì vì dịch khó khăn cũng không thể đổi nghề.

Thiên Nhi

ZING


Các tin tức khác

>   Cá nhân được nhận thế chấp sổ đỏ (28/05/2021)

>   Nghi can cầm đầu có thể đánh sập hệ thống, hạ giá tiền ảo để chiếm đoạt (27/05/2021)

>   Tiền số bị bán tháo, nhà đầu tư hoảng loạn (26/05/2021)

>   Công an Vĩnh Phúc điều tra vụ 72 người bị lừa 5 tỉ đồng đầu tư tiền ảo (25/05/2021)

>   Nhà đầu tư tiền mã hóa đối mặt những rủi ro nào? (24/05/2021)

>   Túng thiếu, người trẻ Hàn Quốc làm 'chuột thí nghiệm' để kiếm tiền (22/05/2021)

>   Sập sàn tiền ảo tại Phan Thiết, nhiều người vỡ mộng (22/05/2021)

>   Để xử lý tận gốc 'đầu tư online' lừa đảo... (21/05/2021)

>   Coolcat bị tố lừa đảo hơn 200 tỉ đồng, các nhà đầu tư nói gì? (20/05/2021)

>   Giới chuyên gia chỉ ra những sai lầm tài chính thường mắc phải trong đại dịch (19/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật