Thứ Sáu, 21/05/2021 09:54

Để xử lý tận gốc 'đầu tư online' lừa đảo...

Trong vòng một năm trở lại đây, hiện tượng “đầu tư online” bùng phát ở Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn. Một số vụ bị đổ bể, được báo chí đưa tin thì người dân mới biết nhưng vẫn còn rất nhiều các “sàn giao dịch” vẫn đang hoạt động, chèo kéo mời gọi trên các mạng xã hội hay theo kiểu truyền miệng đa cấp.

Những sàn giao dịch hay ứng dụng (app) có mức lợi nhuận cao bất thường thì có thể khẳng định luôn là lừa đảo, chưa kể đến tính bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Vậy thì có xử lý được tận gốc mô hình phạm pháp này?

Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng 

Các sàn giao dịch vàng, tiền mã hóa (crypto currencies), ngoại tệ (forex) online hay các ứng dụng đầu tư CFD (Contract For Difference) - là một dạng cá cược với nhà cái - ở Việt Nam hiện nay có một đặc điểm giống nhau là đưa ra mức lợi nhuận rất hấp dẫn.

Chẳng hạn, chỉ cần với mức lợi nhuận 1%/ngày thì tính ra đã hơn 3.600%/năm. Để thấy con số này nó khủng khiếp thế nào thì chỉ cần so sánh với lợi nhuận trung bình của huyền thoại đầu tư là Warren Buffet ở mức 20%/năm. Hay mức lợi nhuận sinh lời trung bình của các quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge funds) trên thế giới trong năm 2020 là 12,3%/năm. Mà chúng ta nên biết rằng các hedge funds hay các quỹ đầu tư lớn chuyên nghiệp, có nguồn lực về vốn, con người, các mối quan hệ lớn đến chừng nào.

Chúng ta chỉ cần dừng lại vài giây, tự hỏi nếu đầu tư sinh lời được 1%/ngày thì sao những người này không giữ riêng cho mình, một năm họ có thể có được 36,78 triệu đồng, còn sau hai năm thì có tới 1,4 tỉ đồng (1,01^n - 1, với n là số ngày). Và trên thị trường có biết bao nhà đầu tư, nhà kinh doanh giỏi, vì sao họ phải vắt óc, mệt mỏi để đạt được mục tiêu lợi nhuận 15-20%/năm?

Một dấu hiệu lừa đảo thứ hai là cam kết bảo hiểm, nếu thắng thì hưởng, thua thì được bảo hiểm. Nghe qua thì có vẻ hợp lý trong việc vận dụng nguyên tắc bảo hiểm là một số người thua sẽ được người thắng góp lại chia sẻ. Nhưng trong bảo hiểm, chỉ hoạt động khi tỷ lệ người bị thiệt hại rất ít trong một cộng đồng rất đông người tham gia (quy luật số lớn) và xác suất xảy ra thiệt hại là thấp. Trong khi đó, các ứng dụng hay sàn đầu tư online hứa hẹn bảo hiểm làm sao thỏa mãn được các điều kiện này?

Dấu hiệu lừa đảo thứ ba là sự tồn tại của mô hình đa cấp, ponzi ở các hình thức đầu tư online này. Người đi trước giới thiệu người vào sau sẽ được hoa hồng và thủ thuật tạo niềm tin ban đầu. Thực ra con người tham nhưng cũng rất duy lý. Hiểu được điều này nên nhóm tổ chức sẽ “cho” nhà đầu tư thắng khi mới bắt đầu với số tiền thử nghiệm nhỏ, trong một thời gian đầu có thể lên đến một hay hai tuần. Ngoài ra, để lôi kéo người tham gia thì cần sự tiếp tay của một số người có ảnh hưởng, mà những người này lại không có chuyên môn hay uy tín được xác nhận trong giới đầu tư chuyên nghiệp.

Vấn đề xử lý kỹ thuật là không khó, nhưng hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn là vì cơ quan quản lý nhà nước không quyết tâm xử lý, hay có sự dung túng nhất định?

Dấu hiệu lừa đảo cuối cùng là hệ thống kỹ thuật của giao dịch và quản lý tài khoản. Bên tổ chức hoàn toàn kiểm soát hệ thống thông tin và có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Đơn giản như tạo độ lệch thời gian hiển thị giá, chỉnh giá để thao túng kết quả giao dịch thắng/thua theo chủ đích. Và cuối cùng là tự đánh sập hệ thống để “cướp” tài khoản của những người tham gia.

Xử lý tận gốc có được không?

Về mặt kỹ thuật có thể trả lời ngay là được trong vòng ba nốt nhạc. Bởi vì các giao dịch online đều qua hệ thống ngân hàng và hoàn toàn có thể truy vấn lịch sử giao dịch cũng như dấu vết. Lấy ví dụ như ở cấp độ 1, bên tổ chức có thể dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản ngân hàng, nhưng ở cấp độ 2 và sau đó, khi số tiền nhận được từ tài khoản công khai chuyển đi (reroute) về các tài khoản khác thì việc truy tìm đến người nhận cuối cùng hoàn toàn có thể thực hiện được khi có yêu cầu của bên công tố là viện kiểm sát.

Việc truy tìm còn có thể thông qua số điện thoại giao dịch công khai, vì các nhóm này sử dụng số điện thoại để tham gia, điều phối các nhóm chat, các nhóm cung cấp tín hiệu. Cơ quan quản lý khi có số điện thoại, thì hoàn toàn có thể định vị nơi thiết bị được sử dụng và từ đó tìm ra thủ phạm.

Ngoài ra, các hệ thống trang web, ứng dụng đều có địa chỉ IP, thông tin thuê tên miền, hệ thống máy chủ nên trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, các bên cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp thông tin khách hàng, kể cả đó là các nhà cung cấp quốc tế.

Và minh chứng là khi muốn làm, cơ quản lý đều đánh phá được như vụ bắt và khởi tố mới đây, cũng như các vụ đánh bạc online đình đám đã khởi tố trước đây liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp.

Vấn đề xử lý kỹ thuật là không khó, nhưng hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn là vì cơ quan quản lý nhà nước không quyết tâm xử lý, hay có sự dung túng nhất định? Thêm vào đó, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyên truyền rộng rãi cho người dân để nâng cao hiểu biết dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nên như thế nào?

Khi thị trường tài chính phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, việc tiếp cận các sản phẩm, các công cụ tài chính hiện đại, phức tạp sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam cần có những sàn giao dịch hợp pháp, được bảo vệ về mặt pháp lý để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, hay quản trị rủi ro danh mục tốt hơn.

Những nhà đầu tư tài chính thực sự đều biết rằng các hình thức đầu tư online hiện nay ở Việt Nam với mức lợi nhuận hấp dẫn, cũng như cách thức vận hành là lừa đảo. Nhưng cái tên đầu tư tài chính quốc tế đang bị lợi dụng và ngày càng hình thành nhận thức không tốt của xã hội về lĩnh vực này.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần quyết tâm xử lý tận gốc các hình thức biến tướng lừa đảo, vấn đề là có quyết tâm hay không mà thôi. Cùng với đó, nên sớm hợp pháp hóa hoạt động đầu tư vàng, ngoại hối có quản lý giám sát, liên thông với thị trường thế giới.

Sớm cân nhắc cho phép các công ty chứng khoán kết nối thông tin với một số sàn chứng khoán quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán quốc tế. Dĩ nhiên cần cân nhắc đến việc dịch chuyển vốn, như là đặt ra hạn mức đầu tư của nhà đầu tư cá nhân ra thị trường nước ngoài.

Đối với các sản phẩm tài chính phái sinh, có mức độ phức tạp thì nhà đầu tư cá nhân phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định, ít nhất là vượt qua một bài kiểm tra kiến thức về sản phẩm thì mới được phép giao dịch.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Coolcat bị tố lừa đảo hơn 200 tỉ đồng, các nhà đầu tư nói gì? (20/05/2021)

>   Giới chuyên gia chỉ ra những sai lầm tài chính thường mắc phải trong đại dịch (19/05/2021)

>   Dịch Covid-19 làm 1,3 triệu người lao động thất nghiệp năm 2020 (19/05/2021)

>   Nhảy vào sàn ảo Coolcat, tham giàu nhanh mất đứt sổ đỏ 5 căn nhà (18/05/2021)

>   Lộ thông tin từ sàn vàng, app vay, tiền ảo (18/05/2021)

>   Tiền ảo Bitcoin, tiền ảo Pi: Nắm giữ, giao dịch là vi phạm pháp luật Việt Nam (17/05/2021)

>   Đa cấp tiền ảo chiêu cũ lừa người mới (17/05/2021)

>   ‘Phải phạt nặng một vài nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật để răn đe’ (15/05/2021)

>   Mất hàng triệu USD vì đầu tư trên sàn tiền ảo (15/05/2021)

>   Quảng cáo cho dự án coin đa cấp, nghệ sĩ không một lời xin lỗi (14/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật