Cổ phiếu ngân hàng tháng 5: Nhóm UPCoM lên ngôi
Sự lên ngôi của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ là tâm điểm của “cổ phiếu vua” trong tháng qua với thị giá và thanh khoản đều bứt phá.
Kết thúc phiên 31/05, chỉ số VN-Index tăng 88.66 điểm, tương đương tăng 7% so với cuối tháng 4, đóng cửa ở mức 1,328.05 điểm. Đồng thời, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 31/05 cũng tăng 103.87 điểm, tương đương tăng 19% so với cuối phiên 29/04, lên mức 645.32 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng nhỏ lên ngôi
Trong tháng 5, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng đã tăng hơn 322,903 tỷ đồng, lên mức 1.89 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 31/05/2021), tương đương tăng 21% so với mức 1.57 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 4.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, chỉ có Vietcombank (VBC) có vốn hóa giảm (-1%) trong khi VietinBank và BIDV lần lượt tăng 30% và 19%.
Về phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân tất cả các ngân hàng đều có vốn hóa tăng mạnh hơn 10%. Riêng BVB (+86%), SGB (+66%), PGB (+57%), SSB (+52%), NAB (+51%) là những nhà băng có vốn hóa tăng hơn 50%.
Trong đó, giá cổ phiếu BVB tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng khi có những phiên tăng mạnh kể từ phiên 20/05 và gần nhất là 2 phiên tăng trần liên tiếp (28-31/05/2021). Kết thúc phiên 31/05/2021, giá cổ phiếu BVB đạt 25,700 đồng/cp, tăng 86% so với thời điểm cuối tháng 4/2021.
Cũng trong phiên 31/05/2021, BVB có thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, giảm từ mức 30% xuống còn 5%. Đây là thể là nguồn cơn giúp cổ phiếu BVB ‘thăng hoa’ trong tháng 5 này.
Theo HĐQT BVB, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lai. Điều này có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến biến động giá cổ phiếu. Do đó, để ổn định giá cổ phiếu, từng bước nâng cao năng lực hoạt động và sức mạnh tài chính, từ đó bảo vệ quyền lợi của các cổ đông trong nước trước sự ảnh hưởng từ việc giao dịch cổ phiếu của khối ngoại, HĐQT cho rằng việc phải có cơ chế giám sát đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài một cách linh hoạt là cần thiết và mang tính tất yếu.
Một điều bất ngờ hơn nữa chính là sự lên ngôi của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ khi trên sàn UPCoM, có đến 5/7 cổ phiếu ngân hàng tăng trần ở phiên 31/05/2021 gồm BVB, VBB, SGB, NAB, PGB. Riêng ABB có lúc tăng trần lên 25,500 đồng/cp, kết phiên ở sắc xanh còn 25,000 đồng/cp (+12.61%). KLB cũng tăng 4.18%.
Chuỗi tăng giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ kéo dài với một số mã tăng trần 2 phiên liên tục như BVB, SGB, VBB, PGB.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản “cuồn cuộn”
Trong tháng qua, có gần 299 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 51% so với tháng 4. Giá trị giao dịch lên đến 10,130 tỷ đồng/ngày, tăng 71%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Cổ phiếu của một số ngân hàng có thanh khoản tăng mạnh so với tháng trước phải kể đến SGB (gấp 34.73 lần), BAB (gấp 5.62 lần), KLB (gấp 3.69 lần), NAB (gấp 3 lần), PGB (gấp 3.67 lần), VIB (gấp 3.38 lần), VPB (gấp2.96 lần), VBB (gấp 2.42 lần). Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 nhà băng có thanh khoản giảm là VCB (-14%) và NVB (-9%).
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu STB tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày gần 48 triệu cp, tăng 15% so tháng 4.
Trong khi đó, tuy thanh khoản gấp 2.42 lần tháng trước nhưng VBB vẫn là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất nhóm ngân hàng với 152,715 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị giao dịch chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại bán ròng hơn 3,051 tỷ đồng
Trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng gần 54 triệu cp ngành ngân hàng, tăng 35% so với tháng 4. Giá trị bán ròng hơn 3,051 tỷ đồng, tăng 14% so với tháng 4.
Nguồn: VietstockFinance
|
Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp cổ phiếu CTG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất về khối lượng lẫn giá trị. Riêng trong tháng 4, cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng hơn 27 triệu cp, giảm 28% so với tháng 4. Giá trị bán ròng hơn 1,263 tỷ đồng, giảm 21%.
Bên cạnh đó, ACB, KLB, MSB, TCB, PGB, VIB, BVB, NVB, TPB, VCB, MBB, BID, LPB, VPB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng.
STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 12 triệu cp, giảm 64% so với tháng 4, tương ứng giá trị mua ròng đạt 302 tỷ đồng, giảm 61%.
Ái Minh
FILI
|