Deutsche Bank cảnh báo về rủi ro khổng lồ từ lạm phát
Lạm phát có thể kéo dài và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trong những năm tới, theo cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế Deutsche Bank.
Trong một dự báo có phần nghiêm trọng hơn so với các nhà quyết sách và Phố Wall, Deutsche Bank đưa ra lời cảnh báo rằng việc quá tập trung vào kích thích kinh tế mà lãng quên nỗi lo sợ lạm phát sẽ là một sai lầm.
Bài phân tích của Deutsche Bank ám chỉ tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khuôn khổ lạm phát mới của họ. Trong đó, Fed cho phép lạm phát tăng cao hơn mục tiêu 2% trong một khoảng thời gian để lợi ích từ đà hồi phục lan rộng tới mọi ngõ ngách trong nền kinh tế.
Theo góc nhìn của Deutsche Bank, việc Fed không thắt chặt chính sách trước khi lạm phát tăng trưởng bền vững sẽ mang lại tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế.
“Việc Fed hành động chậm trễ sẽ gây ra gián đoạn cho hoạt động kinh tế và tài chính”, Chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche, David Folkerts-Landau viết trong báo cáo. “Từ đó, sự gián đoạn có thể tạo ra cuộc suy thoái nghiêm trọng và khởi đầu cho tình trạng căng thẳng tài chính trên toàn thế giới, nhất là ở các thị trường mới nổi”.
Là một phần trong cách tiếp cận mới với lạm phát, Fed sẽ không nâng lãi suất hoặc giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu cho đến khi “nền kinh tế đạt bước tiến đáng kể” về lạm phát và việc làm. Nhiều quan chức Fed cho biết Mỹ vẫn chưa tiến gần các mục tiêu này.
Trong khi đó, các chỉ báo như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đang cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Các quan chức Fed cho rằng đà tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ thuyên giảm khi sự gián đoạn cung ứng và hiệu ứng so với cái nền thấp (base effects) biến mất.
Nhóm chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank không đồng tình với quan điểm trên, cho rằng việc kích thích kinh tế quyết liệt và sự thay đổi của các yếu tố kinh tế cơ bản sẽ thúc đẩy lạm phát trong thời gian tới và theo khuôn khổ mới, Fed sẽ không ở vị thế sẵn sàng để đối phó với lạm phát.
“Tôi ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của Fed, điều này là do Fed đang chuyển hướng ưu tiên sang các mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, việc ngó lơ lạm phát sẽ để lại ‘quả bom hẹn giờ’ cho nền kinh tế toàn cầu”, ông Folkerts-Landau cho biết. “Hậu quả có thể rất thảm khốc, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế”.
Áp lực lạm phát chỉ là tạm thời?
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế trên Phố Wall lại bày tỏ quan điểm khác. Hầu hết đều đồng tình với Fed rằng áp lực lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đồng thời không cho rằng Fed sẽ sớm thay đổi chính sách.
Jan Hatzius, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, cho biết có nhiều lý do để cho rằng lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một trong số đó là các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung sắp hết hạn và điều này sẽ thôi thúc người dân đi làm trở lại trong những tháng tới. Nhờ đó, áp lực lạm phát tiền lương sẽ giảm bớt.
Về áp lực giá nói chung, ông Hatzius cho rằng đà tăng hiện tại phần lớn đến từ những “yếu tố chưa từng có tiền lệ” và những yếu tố này sẽ dần dần thuyên giảm khi nền kinh tế bình thường hóa.
“Tất cả lập luận trên cho thấy các quan chức Fed có thể làm theo kế hoạch rút dần dần sự hỗ trợ cho nền kinh tế”, Hatzius viết.
Theo Deutsche, quan điểm trên thật sai lầm.
Cho tới nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích hơn 5,000 tỷ USD và số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed gần như cao gấp đôi trước dịch (vì chương trình mua trái phiếu hàng tháng), ở mức gần 8 ngàn tỷ USD. Gói kích thích này tiếp tục được thông qua ngay cả khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng 10% trong quý 2/2021 và bức tranh việc làm khả quan hơn.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự kết hợp lạ thường giữa chính sách tiền tệ và tài khóa như thế này. Chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn tiếp tục nới lỏng ngay cả khi sản lượng kinh tế đã vượt mức tiềm năng”, Folkers-Landau cho biết. “Đây là lý do giải thích lạm phát lần này rất khác”.
Nhóm kinh tế của Deutsche cho rằng lạm phát trong thời gian tới có thể tương tự với thập niên 70 – giai đoạn lạm phát trung bình gần 7% và nhiều lúc tăng ở mức 2 con số.
Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng các đợt nâng lãi suất mạnh – vốn là yếu tố châm ngòi cho suy thoái. Nhóm kinh tế của Deutsche Bank lo ngại lịch sử có thể tái diễn.
“Gần đây, Mỹ xuất hiện nhiều yếu tố thúc đẩy giá tăng mạnh. Ngay cả khi lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chúng có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát như những gì đã diễn ra trong thập niên 70”, các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank cho biết. “Rủi ro là lạm phát có thể hằn sâu vào tâm trí của người dân trong vài tháng. Khi đó, Fed khó mà kiểm soát kỳ vọng lạm phát, nhất là khi quy mô kích thích quá lớn”.
Kết quả là Fed phải dùng tới các đợt nâng lãi suất. Deutsche Bank cho biết các đợt nâng lãi suất có thể “gây tác động lớn trong một thế giới nặng nợ như hiện nay”, đặc biệt khủng hoảng tài chính có thể diễn ra ở các nền kinh tế mới nổi.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|