Bài toán nan giải của Trung Quốc: Duy trì tăng trưởng kinh tế khi dân số già hóa
Theo kết quả tổng điều tra dân số 10 năm 1 lần vừa được công bố trong tháng 5, số trẻ em sơ sinh của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1961.
Là nhân viên tại một bệnh viện ở Thượng Hải với mức lương hậu hĩnh, Chen Xiaoyu nghĩ rằng đã đến lúc cô phải lập gia đình. Thế nhưng, việc bắt đầu cuộc sống hôn nhân lại không nằm trong danh mục ưu tiên của cô.
Cô gái 29 tuổi chia sẻ: “Nếu được, tôi muốn triệt sản. Áp lực tài chính thật khủng khiếp. Tôi không đủ khả năng để vừa nuôi con vừa phải chi trả các khoản vay về nhà ở”.
Theo quan niệm của nhiều phụ nữ Trung Quốc như Chen cũng như kinh nghiệm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, Trung Quốc khó lòng thay đổi xu hướng giảm tỷ lệ sinh. Cứ theo xu hướng như hiện nay, tổng dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể chạm đỉnh trong vài năm tới và làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khi dân số giảm, Bắc Kinh sẽ cần thực hiện một bước chuyển đổi đầy thách thức trong mô hình tăng trưởng. Việc nhanh chóng gia tăng chi tiêu vào lương hưu và chăm sóc sức khỏe cần được thực hiện song song với việc duy trì đầu tư mạnh vào lĩnh vực Nhà nước và tư nhân để củng cố lĩnh vực công nghiệp khổng lồ.
Nếu bước chuyển đổi này thành công, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Khi đó, những người tiêu dùng lớn tuổi tại quốc gia châu Á này sẽ trở thành thị trường to lớn của những công ty đa quốc gia và nguồn tiết kiệm hưu trí khổng lồ của họ sẽ là mục tiêu mà các công ty tài chính nhắm đến. Trái lại, nếu bước chuyển đổi thất bại, Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ hoặc nếu có cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi.
Lauren Johnston, Chuyên gia về kinh tế và nhân khẩu học Trung Quốc tại SOAS University of London nhận định: “Trung Quốc đã và đang vạch ra chiến lược tăng trưởng toàn diện sao cho phù hợp với xu hướng thay đổi về nhân khẩu. Vai trò là công xưởng thâm dụng lao động của Trung Quốc buộc phải thay đổi. Họ phải chuyển sang xu hướng tăng trưởng dựa trên thâm dụng vốn”, bà Johnston nói.
Trung Quốc có cách tiếp cận 2 chiều nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế khi dân số giảm. Thứ nhất, họ có thể kìm hãm đà giảm cua lực lượng lao động khu vực thành thị bằng cách nâng thêm tuổi nghỉ hưu và khuyến khích thêm nhiều dân cư nông thôn di chuyển đến các thành thị sinh sống. Thứ 2 là gia tăng năng suất thông qua kế hoạch 5 năm gần nhất bằng cách tập trung vào giáo dục nghề nghiệp hiệu quả hơn và đầu tư thêm vào nghiên cứu khoa học, tự động hóa và hạ tầng kỹ thuật số.
Chính phủ Bắc Kinh đã bắt tay vào chuẩn bị cho xu hướng giảm dân số từ thập niên 70. Khi đó, do trình độ học vấn cao hơn và tỷ lệ phụ nữ đi làm ngày càng tăng đã khiến quy mô gia đình trở nên nhỏ hơn – một xu hướng càng được đẩy mạnh khi Trung Quốc thực thi chính sách “mỗi gia đình chỉ một con”. Tuy nhiên, ngay cả khi Chính phủ nới lỏng những hạn chế đó vào năm 2016, tỷ lệ sinh tại quốc gia hơn 1.4 tỷ dân vẫn tiếp tục giảm. Điều này cho thấy rằng, dù chính sách có nới lỏng thêm nữa thì tầm ảnh hưởng của nó cũng rất ít do các chuẩn mực xã hội đã thay đổi.
Vì Trung Quốc đặt cược vào việc gia tăng năng suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nhà nhân khẩu học cho rằng Chính phủ nước này sẽ không dồn toàn lực để thúc đẩy tỷ lệ sinh con.
Tác động từ nhân khẩu học
Trung Quốc cần vượt qua xu hướng của khu vực, trong đó tỷ lệ sinh giảm diễn ra đồng thời với tăng trưởng kinh tế chậm chạp hoặc đình trệ. Tại Hàn Quốc và Đài Loan, sau nhiều năm chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, dân số của cả 2 nước đều giảm trong năm 2020. Tại Nhật Bản, dân số đã chạm đỉnh cách đây 1 thập kỷ.
Trong khi các nước châu Âu và Mỹ đã sẵn sàng gia tăng lực lượng lao động mang quốc tịch nước ngoài thì Trung Quốc vẫn duy trì chính sách kiểm soát nhập cư khá chặt chẽ.
Theo kế hoạch, Chính phủ Trung Quốc sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi như hiện nay đối với lao động nam và thấp nhất là 50 tuổi đối với lao động nữ. Đồng thời trong 5 năm tới, họ cũng dự định chuyển khẩu 50 triệu dân từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị để nhận công việc sản xuất và dịch vụ có thu nhập cao hơn.
Chi Lo, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại BNP Paribas Asset Management, ước tính rằng theo độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 tuổi cùng với việc nới lỏng các quy định về nhập cư trong nước, Trung Quốc sẽ có thêm ít nhất 150 triệu lao động tại khu vực thành thị vào năm 2035. “Vì vậy, việc dân số chạm đỉnh sẽ không dẫn đến sự thay đổi lớn trong vòng 10-15 năm tới”, vị chuyên gia này nhận định.
Việc đưa ra các chính sách đúng là một chuyện nhưng việc thực thi chúng lại là một vấn đề khác. Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bắc Kinh đã từng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Trong khi đó, việc chi trả lương hưu được dự báo sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Theo ước tính của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nếu tiếp tục duy trì xu hướng chi tiêu như hiện nay, quỹ hưu trí thành chị cơ bản sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Ngoài các áp lực tài khóa, Bắc Kinh sẽ phải trả lương hưu hào phóng hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế. Cai Fang, Chuyên gia kinh tế về dân số nổi tiếng và gần đây được bổ nhiệm vào Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa tiềm tàng từ dân số già đối với nền kinh tế ở phương diện nhu cầu.
Do lương hưu thấp hơn tiền lương tháng và người lớn tuổi cũng chi tiêu ít hơn cho việc chăm lo con cái, họ có khuynh hướng tiêu xài ít hơn những người trong độ tuổi lao động, ông cho biết. Xu hướng này từng diễn ra tại Nhật Bản, khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ mới thấp hơn sản lượng sản xuất quá nhiều đã làm hạn chế hoạt động đầu tư mới.
Áp lực tài khóa
Trong bài phát biểu hồi tháng 4/2021, chuyên gia Cai Fang nhận định giải pháp cho vấn đề này là tăng chi tiêu chính phủ để nâng thu nhập cho hàng trăm triệu người có nhiều khả năng chi tiêu nhất, gồm người hưu trí, cư dân nông thôn sống trên mức nghèo của quốc gia và người lao động nhập cư. Giải pháp này có thể tăng gấp đôi quy mô của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
“Đây có thể là lợi thế mới của Trung Quốc trong cạnh tranh quốc tế”, ông nói.
Trung Quốc cũng có thể cố gắng thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua trợ cấp chăm sóc trẻ em hoặc hỗ trợ tiền nhà ở để giảm bớt chi phí nuôi dạy con cái, đồng thời kiểm soát chặt nạn phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với phụ nữ. Tuy nhiên, theo các nhà nhân khẩu học, mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ, các chính sách như vậy khó có thể làm thay đổi đáng kể trong quan niệm của họ.
Tian Lijun, một chủ cửa hàng hoa tươi 30 tuổi tại Bắc Kinh, cho biết cô coi trọng sự tự do hơn cả việc có con. Cô chia sẻ: “Tôi đang sống một cuộc sống rất hạnh phúc. Tôi muốn đi đâu cũng được hoặc có làm việc muộn cũng chẳng sao. Có một đứa con thật mệt mỏi và nó chắc chắn sẽ làm sa sút chất lượng cuộc sống của tôi”.
Khai Tâm (Theo Bloomberg)
FILI
|