Trung Quốc gặp khó vì đồng tiền quá mạnh?
Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mạnh hơn kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung bắt đầu.
Điều đó khiến Bắc Kinh rơi vào thế khó. Nếu đồng tiền này tăng giá quá nhanh, thị trường tài chính nước này có thể bị xáo trộn bởi dòng vốn chảy nhanh và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế có thể bị chệch hướng.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc nhằm làm suy yếu Nhân dân tệ có thể “chọc giận” Washington, lâu nay vẫn nghi ngờ về mức độ kiểm soát đồng tiền của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đang cố gắng hàn gắn với Mỹ, thì những cáo buộc mới cho rằng họ là kẻ thao túng tiền tệ sẽ không giúp ích được gì.
Nhân dân tệ tăng giá không phải điều mới vì nó đã tăng hơn 10% trong năm qua. Nhưng gần đây, nó thậm chí còn tăng nhiều hơn, khi vượt mức 6.4 Nhân dân tệ/USD - một phần do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và USD yếu hơn.
Theo Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, việc Nhân dân tệ tăng giá cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã sẵn sàng chấp nhận một đồng tiền mạnh hơn. Ông nói thêm trong một ghi chú nghiên cứu trong tuần này rằng Ngân hàng trung ương này có thể đang cố gắng chống lại chi phí leo thang của các mặt hàng như thép và những loại vật liệu xây dựng khác, vốn cần thiết cho các kế hoạch cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc.
Quá nhiều, quá nhanh
Cũng như các khía cạnh khác của hệ thống kinh tế và tài chính, Bắc Kinh đang cảnh giác với quá nhiều điều xảy ra quá nhanh.
Nếu Nhân dân tệ quá mạnh, xuất khẩu của Trung Quốc có thể trở nên kém cạnh tranh hơn và đe dọa sự phục hồi kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp nước này tiếp tục tăng trưởng trong năm nay và lĩnh vực đó là nguồn việc làm chính trong nước.
Ổn định tài chính cũng là vấn đề cần quan tâm. Nếu quá nhiều tiền không mong muốn chảy vào nước này, điều đó có thể thúc đẩy bong bóng tài sản địa phương và gây ra lạm phát.
Để kìm hãm đà tăng, trong tuần này, Bắc Kinh thông báo sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với việc nắm giữ ngoại hối thêm 2 điểm phần trăm, lên 7%. Đây cũng là mức tăng đầu tiên trong 14 năm qua.
Việc tăng này sẽ buộc các ngân hàng phải dự trữ nhiều tài sản ngoại hối hơn, do đó sẽ siết chặt nguồn cung ngoại tệ trên thị trường và gây áp lực giảm giá lên Nhân dân tệ.
Đó là động thái hiếm hoi đối với Ngân hàng trung ương khi cam kết mở cửa cho dòng vốn vào và ra khỏi Trung Quốc, đồng thời cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, vì họ tuyên bố rằng họ đã tránh can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ kể từ năm 2017.
Điều đó cũng báo hiệu cơ quan quản lý có thể sẵn sàng đưa ra nhiều biện pháp hơn nếu cần thiết. Tuần trước, Liu Guoqiang, Phó Thống đốc PBOC, cho biết Ngân hàng trung ương sẽ "kiên quyết trấn áp" hoạt động đầu cơ tiền tệ.
Tại cuộc họp điều hành gần đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh Chính phủ cần "duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ và giữ cho Nhân dân tệ về cơ bản ổn định", đồng thời giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối phó những khó khăn trong sản xuất và hoạt động.
Căng thẳng Mỹ-Trung
Bất cứ điều gì Bắc Kinh làm, họ cũng phải cẩn thận.
Washington từ lâu đã cảnh giác với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Nhân dân tệ. Năm 2019, chính quyền của Tổng thống Donald Trump gọi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ", sau khi Ngân hàng trung ương nước này cho phép Nhân dân tệ suy yếu giữa lúc tranh chấp thương mại đang diễn ra (và dĩ nhiên, Trung Quốc phủ nhận!).
Nguy cơ căng thẳng Mỹ-Trung leo thang vẫn chưa biến mất. Thuế quan vẫn được áp lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc hơn một năm sau khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một". Và dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc lại căng thẳng vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và nguồn gốc của Covid-19.
Theo Ken Cheung, chiến lược gia trưởng bộ phận ngoại hối châu Á của Mizuho Bank, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho đến nay đã ngưng sử dụng các biện pháp hiệu quả hơn để kiềm chế đà tăng của Nhân dân tệ.
Ví dụ, cơ quan quản lý ngân hàng có thể sử dụng một “công cụ nào đó” để ấn định giá trị Nhân dân tệ hàng ngày. PBOC chưa bao giờ tiết lộ cách thức hoạt động chính xác của công cụ này và đã ngưng sử dụng nó vào tháng 10 năm ngoái, nhưng các thị trường hiểu rằng công cụ này là một cách để ngân hàng trung ương chống lại các yếu tố thị trường kéo Nhân dân tệ đi lên.
Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ đó "có thể gây ra phản ứng dữ dội cho phía Mỹ và làm gián đoạn các cuộc đàm phán thương mại", Cheung viết trong một báo cáo nghiên cứu tuần này.
Nếu Ngân hàng trung ương ngưng đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiềm chế giá trị của Nhân dân tệ, Cheung nghi ngờ đồng tiền này có thể tiếp tục được thúc đẩy bởi USD. Đồng bạc xanh đã suy yếu trong vài tháng qua, do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tỏ ra ôn hòa và lo ngại lạm phát gia tăng. Báo cáo việc làm hôm thứ Sáu của Mỹ có thể tiếp tục ảnh hưởng đến sức mạnh của USD, khi các nhà giao dịch chờ đợi thêm manh mối về tình trạng phục hồi kinh tế của nước này.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng Nhân dân tệ có thể tiếp tục mạnh trong một thời gian nữa, dù điều đó khiến Bắc Kinh khó chịu. Một phần của điều đó là vì họ kỳ vọng dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào Trung Quốc và USD tiếp tục suy yếu.
Nhã Thanh (Theo CNN)
FILI
|