Dầu Brent vượt mốc 76 USD/thùng, lên cao nhất trong hơn 2 năm
Giá dầu tăng vào ngày thứ Tư (23/6), với dầu Brent vượt mốc 76 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm khi nhu cầu đi lại tăng lên.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 7.6 triệu thùng trong tuần trước xuống còn 459.1 triệu thùng, mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 3.9 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Dự trữ dầu tại trung tâm dự trữ Cushing, Oklahoma, giảm 1.8 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nhu cầu xăng cũng tăng trong tuần trước.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group, chia sẻ: “Mọi người đang quay trở lại những chiếc xe của họ và điều đó đang hiển thị rõ rệt trên các số liệu. Điều này sẽ tiếp tục duy trì áp lực tăng giá”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 38 xu (tương đương 0.5%) lên 75.19 USD/thùng. Tại mức đỉnh trong phiên, 76.02 USD/thùng sau dữ liệu của EIA, là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Hợp đồng dầu WTI cộng 23 xu (tương đương 0.3%) lên 73.08 USD/thùng sau khi chạm mức 74.25 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Đà suy yếu của đồng USD cũng thúc đẩy giá dầu thô, làm hàng hóa này trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
“Việc giải phóng dự trữ dầu có thể mang đến một lý do khác nữa để liên minh OEPC+ tăng cường sản lượng từ tháng 8, và cuộc họp vào tuần tới được dự báo sẽ là cơ sở cho chính sách và giá cả trong tương lai”, Louise Dickson, Chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.
Dầu Brent đã leo dốc hơn 45% trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm nguồn cung bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), và khi việc nới lỏng những biện pháp hạn chế phòng Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu. Một số nhà điều hành trong ngành đang nói về việc giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
OPEC+, dự kiến nhóm họp vào ngày 01/7, đã thảo luận về việc tiếp tục nới lỏng cắt giảm sản lượng từ tháng 7, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra, 2 nguồn tin OPEC+ cho biết vào ngày 22/6.
Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa vào nửa cuối năm nay, mặc dù OPEC+ cũng phải đối mặt với viễn cảnh nguồn cung từ Iran tăng lên nếu các cuộc đàm phán dẫn đến khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran.
Vào ngày thứ Tư, phía Iran cho biết Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt về vận chuyển và dầu của Iran, mặc dù Đức cảnh báo rằng các vấn đề trọng tâm vẫn tồn tại ở các cuộc đàm phán để khôi phục lại một thỏa thuận.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|