Dầu tăng mạnh trước sự không chắc chắn về nguồn cung từ Iran
Giá dầu tăng mạnh vào ngày thứ Hai (21/6), khi các cuộc đàm phán để chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu thô Iran tạm dừng và khi đồng USD rút khỏi đỉnh 2 tháng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.89% lên 74.90 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.82% lên 73.66 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều đã leo dốc 4 tuần qua do sự lạc quan về tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu và kỳ vọng nhu cầu tăng vọt trong những chuyến đi mùa hè. Đà phục hồi đã đẩy mức phí giao ngay hợp đồng dầu thô ở châu Á và châu Âu lên cao nhất trong nhiều tháng.
Bank of America cho biết dầu Brent có thể đạt bình quân 68 USD/thùng trong năm nay nhưng có thể vọt lên 100 USD/thùng vào năm sau do nhu cầu dồn nén được giải phóng và việc sử dụng ô tô cá nhân nhiều hơn.
Dầu cũng được thúc đẩy bởi đà suy yếu của đồng USD, điều này có thể đưa các nhà đầu tư đầu cơ chuyển sang các tài sản được neo giá theo đồng bạc xanh như các loại hàng hóa.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị tạm dừng vào ngày 20/6 sau khi ông Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Tư pháp Iran theo đường lối cứng rắn, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của nước này.
“Cuộc bầu cử ở Iran đang gây áp lực lên nguồn cung thị trường khi các lệnh trừng phạt dường như ít có khả năng được dỡ bỏ hơn”, Bob Yawger, Giám đốc Energy Futures, nhận định.
Một thỏa thuận có thể dẫn đến việc Iran xuất khẩu thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung toàn cầu, trong hơn 6 tháng từ các cơ sở dự trữ của mình.
Các quan chức Iran và phương Tây cho biết chiến thắng của ông Raisi không có khả năng làm thay đổi qaun điểm đàm phán của Iran. 2 nhà ngoại giao cho biết họ dự kiến thời gian tạm nghỉ chỉ khoảng 10 ngày.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ từ dự báo tăng trưởng sản lượng dầu hạn chế ở Mỹ, giúp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thêm quyền quản lý thị trường trong ngắn hạn trước khi sản lượng dầu đá phiến có khả năng tăng mạnh trong năm 2022.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|