Thứ Bảy, 26/06/2021 11:16

Ai hưởng lợi khi Trung Quốc trấn áp Jack Ma và các tập đoàn công nghệ?

Định giá Ant Group - công ty fintech của tỷ phú Jack Ma - bay hơi 70 tỷ USD kể từ đợt IPO bất thành. Tencent và JD.com đối mặt sức ép lớn. Và kẻ thắng là các ngân hàng.

Theo Bloomberg, đã 8 tháng trôi qua kể từ khi tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - im hơi lặng tiếng. Trong quãng thời gian này, giá trị vốn hóa của Ant Group - startup công nghệ tài chính của Jack Ma, công ty chị em với Alibaba - bay hơi khoảng 70 tỷ USD.

Bão tố bao trùm Ant Group sau khi Jack Ma công khai chỉ trích các ngân hàng nhà nước Trung Quốc là "tiệm cầm đồ" trong cuộc hội thảo tài chính ở Thượng Hải hồi tháng 20/2020. Ngay sau đó, chính quyền Bắc Kinh chặn đứng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) 35 tỷ USD của tập đoàn fintech này.

Đến nay, Ant Group vẫn đang tiếp tục tính toán thiệt hại. Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc buộc CEO Ant Group Eric Jing liên tục cập nhật thông tin về tiến trình cải tổ mô hình kinh doanh của công ty. Các sáng kiến kinh doanh mới phải được quan chức chính phủ thông qua.

Trung Quốc siết chặt các gã khổng lồ fintech ảnh 1
Jack Ma chê bai hệ thống ngân hàng Trung Quốc hồi tháng 10/2020. Ảnh: Getty Images.

Buộc phải kinh doanh như một ngân hàng truyền thống

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ nhà chức trách Trung Quốc muốn đưa một đại diện chính phủ vào ban quản trị Ant Group để siết chặt giám sát công ty này.

Chiến dịch siết chặt kiểm soát ngành công nghệ Trung Quốc cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh tài chính của Tencent Holdings, JD.com, ByteDance (công ty mẹ của TikTok), hãng gọi xe Didi Chuxing....

Trong lĩnh vực fintech, những startup như Ant Group sẽ buộc phải kinh doanh tương tự các ngân hàng truyền thống. Chính quyền Trung Quốc mô tả nhóm Big Tech (các tập đoàn công nghệ khổng lồ) và các công ty công nghệ tài chính đã lạm dụng sức mạnh thị trường của chúng.

Ant Group và các đối thủ trên thị trường bị giám sát nghiêm ngặt, do đó đối mặt với tương lai đầy bất ổn. Bloomberg Intelligence dự báo mảng cho vay trực tuyến - đầu tàu tăng trưởng của các công ty này - sẽ sụt giảm 23% trong vòng 5 năm tới. Hệ sinh thái thanh toán từ nay sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Trung Quốc siết chặt các gã khổng lồ fintech ảnh 2
Thị phần ngành thanh toán di động tại Trung Quốc. Ảnh: iResearch.

"Đây là giai đoạn Bắc Kinh định hình lại mối quan hệ với các tập đoàn công nghệ. Chính quyền sẽ thắt chặt kiểm soát lâu dài", doanh nhân Liao Ming - nhà sáng lập Prospect Avenue Capital, quản lý 500 triệu USD tài sản - nhận định.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh ra hàng loạt quy định mới về cho vay tiêu dùng và thanh toán online. Hàng chục công ty công nghệ phải cơ cấu lại mảng tài chính thành những thực thể tương tự ngân hàng truyền thống, đồng thời bị Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giám sát.

Chính quyền Trung Quốc sẽ thắt chặt kiểm soát lâu dài các tập đoàn công nghệ

Liao Ming, nhà sáng lập quỹ Prospect Avenue Capital

Nhà chức trách theo dõi chặt chẽ cách các công ty thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng, cách cho vay cũng như cơ cấu chủ sở hữu và kế hoạch niêm yết nước ngoài.

Mảng kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận nhất của Ant Group là cho vay tiêu dùng với đối tượng khách hàng chủ yếu là người trẻ có thu nhập thấp. Mảng này giờ bị hạn chế uy mô ở mức chưa đến 300 tỷ NDT (46,4 tỷ USD). Năm ngoái, mảng kinh doanh này của Ant Group đạt quy mô hơn 600 tỷ NDT.

Các đối tác ngân hàng cũng đang dần cắt đứt quan hệ với nhiều công ty fintech”. Ant Group và Tencent bị yêu cầu "cắt đứt các liên kết không phù hợp” giữa ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat với những dịch vụ tài chính cao cấp hơn như cho vay và quản lý tài sản.

Giá cổ phiếu các ngân hàng tăng vọt

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang xem xét các quy định mới để hạn chế độc quyền trong lĩnh vực thanh toán online, đồng thời thành lập một liên doanh để quản lý khối dữ liệu mà các nền tảng tài chính thu thập được.

Tình cảnh của Ant Group càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều nhân sự "nhảy khỏi con tàu đắm" vì lo ngại tình trạng giá cổ phiếu công ty lao dốc, khoản thưởng cổ phiếu của họ không còn nhiều giá trị.

Một số quản lý cấp cao đã ra đi, bao gồm cựu CEO Simon Hu. CEO Jing cam kết rằng Ant Group sẽ IPO, nhưng định giá của công ty là dấu hỏi lớn.

Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence nhận định Ant Group có thể đạt định giá 29-115 tỷ USD nếu trở thành một công ty tài chính truyền thống, thấp hơn nhiều so với con số 320 tỷ USD hồi năm ngoái. Fidelity Investments, nhà đầu tư sở hữu 0,14% cổ phần của Ant, định giá công ty khoảng 144 tỷ USD.

Hồi tháng 3, giá cổ phiếu Tencent lao dốc sau tin tập đoàn này sẽ phải gói mảng kinh doanh tài chính vào một công ty holding và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giám sát thực thể này.

Trung Quốc siết chặt các gã khổng lồ fintech ảnh 3
Người dùng sử dụng ứng dụng WeChat Pay của Tencent tại một nhà hàng Bắc Kinh. Ảnh: Tech in Asia.

Khoảng 37 tỷ USD vốn hóa Tencent bay hơi trong một ngày. Hai tháng sau, truyền thông Trung Quốc đưa tin các cơ quan quản lý yêu cầu Tencent “cải tổ”.

Trong khi đó, JD Technology - công ty con của JD.com, hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc - đang phải chờ hướng dẫn của chính phủ trước khi mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

“Quy định mới khiến các công ty fintech Trung Quốc đánh mất sức mạnh vốn có", nhà phân tích Joe Gallo, CEO hãng tư vấn Columbia China League Business Advisory Co (Quảng Châu), nhận định.

Quy định mới khiến các công ty fintech Trung Quốc đánh mất sức mạnh vốn có

Joe Gallo, CEO hãng tư vấn Columbia China League Business Advisory Co (Quảng Châu)

Với việc nhóm Big Tech bị kìm hãm, các ngân hàng lớn tại Trung Quốc thừa thắng xông lên. Năm 2020, các ngân hàng Trung Quốc đầu tư 31 tỷ USD vào lĩnh vực fintech. Tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) - ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản - đầu tư vào fintech tăng 40%.

Ngân hàng này tuyển dụng 800 nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Ứng dụng ngân hàng trực tuyến của ICBC có nhiều điểm tương đồng với Alipay của Ant Group, bao gồm các dịch vụ như du lịch, giải trí, đặt chỗ nhà hàng và hàng loạt dịch vụ tài chính để phục vụ 416 triệu người dùng.

Giá cổ phiếu Ngân hàng Chiêu thương Trung Quốc (CMB) tăng gần 60% kể từ khi Ant Group phải hủy đợt IPO. Ant Group bị buộc phải giảm quy mô quỹ thị trường tiền tệ. Cùng thời điểm đó, CMB giới thiệu các sản phẩm đầu tư mới dành cho đối tượng khách hàng lẻ, với mức đầu tư ban đầu chỉ 100.000 NDT (15.500 USD).

Tổng tài sản bán lẻ dưới sự quản lý của CMB tăng kỷ lục 650 tỷ NDT (100 tỷ USD) trong quý I năm nay lên 9.600 tỷ NDT (1.487 tỷ USD).

Hồng Nhung

ZING

Các tin tức khác

>   Chỉ báo lạm phát quan trọng của Fed tăng mạnh nhất trong gần 30 năm (26/06/2021)

>   Tổng thống Biden tuyên bố đạt thỏa thuận lưỡng đảng về gói cơ sở hạ tầng 1,000 tỷ USD (25/06/2021)

>   Những chuyện “dở khóc, dở cười” trong cơn sốt bất động sản ở Mỹ (25/06/2021)

>   Credit Suisse dự báo cổ phiếu sẽ tiếp tục vượt trội hơn các tài sản khác (24/06/2021)

>   Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021 (24/06/2021)

>   Chủ tịch Jerome Powell: Fed sẽ không nâng lãi suất chỉ vì nỗi lo lạm phát (23/06/2021)

>   Giới đầu tư nước ngoài đổ xô rót tiền vào Mỹ (23/06/2021)

>   Tiêm vaccine - ''vũ khí'' đánh chặn những ''cơn gió ngược'' về kinh tế (22/06/2021)

>   Vì sao các nước Châu Á cần phải dập tắt dịch Covid-19 trước khi Fed nâng lãi suất? (22/06/2021)

>   Số người trẻ thất nghiệp tại thành thị Trung Quốc tăng gấp đôi (22/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật