Thứ Ba, 22/06/2021 16:30

Tiêm vaccine - ''vũ khí'' đánh chặn những ''cơn gió ngược'' về kinh tế

Tiêm chủng giúp thúc đẩy tăng trưởng theo nhiều cách, trong đó, quan trọng nhất là việc tạo điều kiện để các quốc gia nới lỏng các biện pháp “bế quan tỏa cảng” vốn kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Thế giới sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi hai chiều,” đó là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Ayhan Kose.

Theo chuyên gia này, trong khi những nước giàu đã nhanh chóng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng và đang được tận hưởng một “mùa Xuân hy vọng,” một số quốc gia khác, đặc biệt là các nước nghèo, sự phục hồi đang chuyển động theo hướng ngược lại.

“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

Theo nhận định của trang tin The Economist, tỷ lệ tiêm chủng vaccine không đồng đều giữa các quốc gia đang tạo ra một sự phân chia về kinh tế.

Điều tương tự đã từng xảy ra vào những năm 1970, khi triển vọng kinh tế thế giới dường như chỉ tập trung vào một sản phẩm duy nhất đó là dầu mỏ.

Một số quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn đã coi đó là “con tin” cho các động cơ chính trị của mình.

Ngày nay, triển vọng kinh tế thế giới cũng đang phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu đầu vào vô cùng quan trọng. Đó là vaccine ngừa COVID-19, vốn được sản xuất ở quy mô hẹp và được phân phối không đồng đều.

Là một quốc gia giàu có với khả năng tự sản xuất vaccine và triển khai các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi, kinh tế Mỹ đã phát triển vượt bậc với tỷ lệ lạm phát cơ bản tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1992.

Vào ngày 16/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng dự báo về tăng trưởng, lạm phát và lãi suất của nước Mỹ.

Các quan chức của Fed dự kiến sẽ có hai đợt tăng lãi suất trong năm 2023. Tuyên bố này đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, đồng thời tạo ra tâm lý lạc quan ở một số nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng WB Ayhan Kose, sự chậm trễ trong việc mua, sản xuất và triển khai tiêm vaccine đã khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong tiến trình phục hồi kinh tế.

Trong số các nền kinh tế lớn được WB nhắc đến, 10 nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 5,5% trong năm nay.

Ở chiều ngược lại, 10 nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,5%.

Sự khác biệt cũng được thể hiện trong các phiên bản dự báo sửa đổi.

Nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh rộng cùng các gói kích thích kinh tế khổng lồ, tăng trưởng dự kiến của nước Mỹ trong năm 2021 đã được điều chỉnh từ 3,5% lên 6,8%.

Ngoài ra, những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn các nền kinh tế khác cũng được điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, tại nhóm 29 nền kinh tế nghèo nhất thế giới (bao gồm 23 quốc gia ở khu vực châu Phi cận Sahara), chỉ khoảng 0,3% dân số được tiêm một mũi vaccine.

Điều này khiến triển vọng tăng trưởng giảm mạnh. Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay (từ mức dự báo 3,4% của 6 tháng trước).

Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là mức tăng trưởng yếu thứ hai được ghi nhận trong vòng hai thập kỷ qua. Mức tăng trưởng tồi tệ nhất đã được ghi nhận vào năm ngoái.

“Vũ khí” hồi phục kinh tế

Tỷ lệ tiêm chủng giúp thúc đẩy tăng trưởng theo nhiều cách. Trong đó, quan trọng nhất là việc tạo điều kiện để các quốc gia nới lỏng các biện pháp “bế quan tỏa cảng” và hạn chế tương tác xã hội, vốn kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Tại những quốc gia đã dỡ bỏ phong tỏa, vaccine giúp làm giảm nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai, từ đó tạo động lực tăng trưởng và mang lại khả năng phục hồi tốt hơn.

Kết quả một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy nhịp sống hối hả đã quay trở lại tại nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Người dân tắm nắng trên bãi biển ở Palavas-les-Flots, miền nam nước Pháp, ngày 10/6/2021 sau khi được dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, mỗi nước sẽ có ít nhất một nửa dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào tháng Tám tới.

Trong khi đó, Nam Phi và Ấn Độ dù khó đạt tỷ lệ này cho đến tháng 12, song do cả hai quốc gia này đều đã có nhiều người khỏi bệnh, giúp họ đạt miễn dịch tự nhiên ở một mức độ nào đó.

Chuyên gia Michael Spencer của Deutsche Bank cho rằng Ấn Độ có thể đạt mức miễn dịch lên đến 70% trong vòng chưa đầy 9 tháng tới, trong đó tính tất cả những người đã từng mắc COVID-19 hoặc đã được tiêm vaccine.

Các chuyên gia tin rằng phục hồi không đồng đều còn tốt hơn là không phục hồi. Mặc dù vậy, sức mạnh tăng trưởng tại một số quốc gia có thể tạo ra vấn đề cho các khu vực khác của thế giới.

Ví dụ, sự bùng nổ của kinh tế Mỹ đã đẩy giá tiêu dùng của chính nước này trong tháng 5/2021 tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm 2020, từ đó gây áp lực về giá ở những quốc gia khác và buộc các ngân hàng trung ương phải phản ứng.

Brazil đã tăng mạnh lãi suất trong năm nay. Đến ngày 11/6, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cũng thông báo các biện pháp thắt chặt lần thứ ba kể từ tháng 3/2021.

Thống đốc của BoR Elvira Nabiullina đã viện dẫn tỷ lệ tiêm chủng và "các chính sách tài chính, tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo ở những nền kinh tế lớn" là lý do chính dẫn đến lạm phát tại Nga.

Bà Elvira Nabiullina bày tỏ lo ngại rằng tình trạng lạm phát tăng cao ở Nga và những nơi khác có thể kéo dài hơn hơn so với "dự kiến ban đầu.” Trong khi đó, ngay cả lạm phát tạm thời cũng có thể làm chao đảo thị trường tài chính.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Ayhan Kose dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 2,5% trong năm 2020 lên 3,9% vào năm 2021.

Chuyên gia này nhận định: “Không nhất thiết phải lo lắng về lạm phát.” Dù vậy, ông cũng bày tỏ lo lắng về việc những áp lực lạm phát có thể làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ nợ ngoại tệ lớn.

Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 15-16/6, Fed cuối cùng đã thảo luận về việc cắt giảm lãi suất, song thời điểm thực hiện vẫn chưa chắc chắn.

Tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức hai con số được ghi nhận trong những năm 1970.

Tuy nhiên, cũng giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi đó đã đẩy các nhà hoạch định chính sách vào tình thế khó xử, buộc họ phải tăng lãi suất giữa bối cảnh nền kinh tế suy yếu, tình trạng thiếu vaccine trong năm nay có thể tạo ra sự khó chịu tương tự.

Cái giá của việc tiêm chủng không đồng đều có thể là nguyên nhân khiến một số quốc gia phải thực hiện "thắt lưng buộc bụng" và thắt chặt tiền tệ quá sớm, trong khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chưa cho phép họ làm điều đó./.

Phương Nga

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Vì sao các nước Châu Á cần phải dập tắt dịch Covid-19 trước khi Fed nâng lãi suất? (22/06/2021)

>   Số người trẻ thất nghiệp tại thành thị Trung Quốc tăng gấp đôi (22/06/2021)

>   Chủ tịch Fed: “Lạm phát rồi sẽ giảm về mục tiêu dài hạn 2%” (22/06/2021)

>   Chiến dịch "hạ sốt" giá vật tư của Trung Quốc liệu có thành công? (22/06/2021)

>   Kỳ vọng thêm nhiều vắc xin Covid-19 mới (22/06/2021)

>   Covid-19: Ca nhiễm ở Indonesia cao chưa thấy, thêm nhiều người chết ở Campuchia (21/06/2021)

>   Gừng, tỏi thế giới tăng vọt trong mùa dịch (21/06/2021)

>   Fed đã “tiếp lửa” cho cơn sốt bất động sản ở Mỹ như thế nào? (21/06/2021)

>   Người Mỹ thay đổi thói quen mua sắm khi nền kinh tế mở cửa trở lại (18/06/2021)

>   'Cơn lốc' Trung Quốc trên đường biên Euro (18/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật