Đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ bất ngờ của Mỹ giúp nước này giữ vững ngôi vị dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong năm nay và năm tới, theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).
Báo cáo của UNCTAD cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô rót tiền vào Mỹ vì họ lạc quan với triển vọng phục hồi nhanh chóng và bền vững trong chi tiêu của người tiêu dùng nước này cùng kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ đô la của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Sức nóng của kinh tế Mỹ thu hút dòng vốn FDI
Theo báo cáo của UNCTAD được công bố hôm 21-6, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trên khắp thế giới giảm 1/3 trong năm 2020, về mức 1.000 tỉ đô la.
Số liệu của UNCTAD cho thấy năm ngoái, FDI toàn cầu giảm 35%, về mức 999 tỉ đô la, trong đó, FDI ở các nước phát triển giảm mạnh nhất, 58%. Ảnh: Unctad.org
|
Năm ngoái, Mỹ ghi nhận FDI giảm đến 40% nhưng vẫn giữ vững vị trí lâu nay là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021 và 2022, UNCTAD dự báo Mỹ sẽ củng cố vị trí dẫn đầu của mình và Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai về thu hút FDI, khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường năng lực để đáp ứng nhu cầu khổng lồ sau đại dịch.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay nhờ các gói chi tiêu kích thích kinh tế trị giá gần 6.000 tỉ đô la cùng với khoảng 2.600 tỉ đô la tiền tiết kiệm tăng thêm mà các hộ gia đình Mỹ đã tích lũy được trong thời kỳ dịch bệnh.
Các doanh nghiệp nước ngoài chạy đua đáp ứng nhu cầu đang tăng lên ở mọi lĩnh vực, từ thép đến thức ăn cho thú cưng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới
Mark Vassella, Giám đốc điều hành BlueScope Steel, một công ty thép của Úc đang mở rộng công suất ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất ô tô và các công ty xây dựng, cho biết: “Chúng tôi đang cực kỳ lạc quan về nền kinh tế Mỹ”.
Các công ty như BlueScope Steel đang nhìn thấy triển vọng tươi sáng hơn, công ty này đã chi 700 triệu đô la để lắp đặt lò nung hồ quang điện thứ ba và máy đúc thép nóng chảy thứ hai tại nhà máy ở Delta, bang Ohio.
Các khoản đầu tư mới sẽ giúp công suất thép của nhà máy này tăng thêm 850.000 tấn/năm so với mức công suất khoảng 2,1 triệu tấn/năm. BlueScope Steel đang chuẩn bị đầu tư cho một dự án có trị giá 200 triệu đô la để nâng cao hơn nữa công suất của nhà máy.
Ông Vassella cho biết nhu cầu thép tăng vọt của các nhà sản xuất ô tô và công ty xây dựng ở Mỹ có khả năng thúc đẩy nhanh dự án này.
CLAAS, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp của Đức, đã đầu tư mở rộng nhà máy ở Omaha, bang Nebraska, Mỹ để đáp ứng nhu cầu mua sắm nông cụ đang gia tăng của nông dân Mỹ. Ảnh: Bloomberg
|
Các công ty châu Âu cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của họ tại Mỹ. Cuối năm ngoái, nhà sản xuất thức ăn thú cưng, Nestlé Purina Petcare, công ty con của Tập đoàn đa quốc gia Nestlé ở Thụy Sĩ, cho biết sẽ chi khoảng 1 tỉ đô la để xây dựng hai nhà máy mới tại Mỹ, ở bang Ohio và bang Bắc Carolina, nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt.
Theo Hiệp hội sản phẩm thú cưng Mỹ, doanh số bán thức ăn cho thú cưng ở Mỹ tăng gần 10% trong năm ngoái, lên 42 tỉ đô la và dự kiến sẽ tăng thêm 5% trong năm nay. Doanh số tăng khi những người dân Mỹ bị kẹt ở nhà có nhiều thời gian chăm sóc thú cưng hơn.
Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng đã đồng ý mua lại hãng dược Alexion Pharmaceuticals, có trụ sở tại Boston (Mỹ) với giá 39 tỉ đô la để có chỗ đứng trong lĩnh vực béo bở là sản xuất thuốc để chữa trị các căn bệnh hiếm.
Năm ngoái, CLAAS, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp của Đức, đã đầu tư để mở rộng nhà máy ở Omaha, bang Nebraska. Công suất của nhà máy này tăng khoảng 25% vào năm 2020 khi các khoản trợ cấp tiền mặt của chính phủ Mỹ khuyến khích nông dân nâng cấp máy móc nông nghiệp.
Trung Quốc vẫn là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất
Trung Quốc vẫn là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, một phần nhờ vào việc tiếp tục mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng một số nước châu Âu đang bắt đầu ngăn chặn sự tham gia của Trung Quốc vào nền kinh tế của họ. Các chính phủ từ vùng biển Baltic đến vùng biển Adriatic đã hủy bỏ các cuộc đấu thầu, mua sắm công mà các công ty nhà nước Trung Quốc có cơ hội trúng thầu, hoặc cấm các công ty Trung Quốc đầu tư hay ký hợp đồng ở nước họ.
Báo cáo của UNCTAD cho biết, các công ty đa quốc gia nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc bất chấp căng thẳng gia tăng với phương Tây vì họ bị thu hút bởi “sức mua tăng, cơ sở hạ tầng phát triển tốt và môi trường đầu tư nói chung thuận lợi” ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Trong khi một số công ty đa quốc gia có thể chuyển hẳn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để giảm chi phí nhân công và nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng của họ, thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem Trung Quốc là “một thị trường chiến lược không thể thiếu”, báo cáo cho biết.
Một số nước đang phát triển đã chứng kiến sự sụt giảm đầu tư nước ngoài ít hơn so với các nước giàu trong năm 2020. Nhưng khi các nước giàu bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho phần lớn dân số của họ và tái mở cửa nền kinh tế, thì các nước đang phát triển, vốn đang chật vật chống chọi các đợt tái bùng phát Covid-19, có thể gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng về lâu dài, vì việc chuyển giao công nghệ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các nước nghèo.
Ấn Độ, một trong số ít nền kinh tế ghi nhận sự gia tăng lớn của đầu tư nước ngoài trong năm 2020 khi các doanh nghiệp quốc tế chạy đua triển khai các dịch vụ trực tuyến bằng cách tận dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin hùng hậu tại nước này, được UNCTAD dự báo, dòng vốn FDI sẽ giảm trong năm nay.
FDI gia tăng trong thời kỳ toàn cầu hóa nhanh chóng kéo dài từ đầu những năm 1980 cho đến khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đạt đỉnh 1.800 tỉ đô la vào năm 2007 rồi sau đó giảm dần. Đến năm 2015, FDI toàn cầu phục hồi và đạt mức cao mới, hơn 2.000 tỉ đô la. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 khiến giá trị FDI toàn cầu giảm sâu, chỉ còn gần 1.000 tỉ đô la trong năm 2020 và đây là mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Với việc Mỹ và nền kinh tế toàn cầu phục hồi với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến vào đầu năm, UNCTAD nhận định các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ tăng đầu tư ra nước ngoài lên 10-15% trong năm nay và 20-30% vào năm 2022.
|