ACV muốn vay ngoại tệ từ ngân hàng trong nước để giảm chi phí vay vốn xây sân bay Long Thành
Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn của dự án xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN
|
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công đầu năm nay với 4 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4,665 tỉ đô la Mỹ (khoảng 109.112 tỉ đồng). Trong số này, một nửa số vốn đầu tư khoảng 2,5 tỉ đô la sẽ phải huy động từ các tổ chức tín dụng.
Nói riêng về công tác huy động vốn vay, trong báo cáo mới nhất của ACV gửi lên CMSC có đề xuất việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước bằng ngoại tệ và trả bằng ngoại tệ (do ACV có nguồn thu ngoại tệ từ việc khai thác các cảng hàng không, thu phí của hãng hàng không nước ngoài hàng năm). Mục đích của đề xuất này là do trong lúc nguồn thu của ACV sụt giảm nghiêm trọng vì các chuyến bay quốc tế bị ngừng mà nguồn vay ngoại tệ trong nước lại đang có lãi suất rẻ hơn nhiều so với tiền đồng, ACV lại có nguồn thu trực tiếp nên mới tính huy động vốn qua kênh này để khai thác việc huy động.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành thì các doanh nghiệp không được vay vốn trực tiếp bằng ngoại tệ, trừ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được mua ngoại tệ của ngân hàng và các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng được mua/vay ngoại tệ theo các quy định riêng. Do đó, đề xuất của ACV là ngoại lệ và muốn làm được phải xin phép Chính phủ cũng như CMSC để xem có được sự đồng ý hay không.
Hiện nay, ACV đã lập và triển khai các tiểu dự án giai đoạn 1 đúng các mốc tiến độ chính. Như rà phá bom mìn bắt đầu từ năm 2020, kết thúc cuối năm nay để có thể có mặt bằng triển khai thi công phần móng nhà ga vào tháng 2-2022.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2025, sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.