10 bài học dành cho người sắp khởi nghiệp
Doanh nhân Matthew Berman sắp kỷ niệm 10 năm thành lập doanh nghiệp. Một thập kỷ của những đêm thức khuya, những lần phải làm việc vào cuối tuần, nào là kết nối với những người cực kỳ tài năng, nào là thúc đẩy quan hệ khách hàng, nào là thường xuyên công tác và còn những chuỗi ngày thăng trầm trong hành trình của một doanh nhân.
Điều hành một doanh nghiệp là hành trình đầy những niềm vui nỗi buồn, nhưng đối với một số người, bản thân họ không thể khước từ sự mê hoặc của việc làm chủ một doanh nghiệp.
Nếu như bạn vừa mới khởi nghiệp hay doanh nghiệp của bạn đang trên đà phát triển thì đây là 10 lời khuyên mà Matthew dành cho bạn.
1. Thành thạo tất cả ngóc ngách của một doanh nghiệp
Chẳng hạn như bạn mở một công ty làm về phụ tùng bởi vì bạn thích sản xuất phụ tùng. Với tư cách là người mới mở một doanh nghiệp phụ tùng, bạn đã tự nộp đơn cho hàng tá công việc cùng một lúc, và hầu hết trong số đó chẳng liên quan gì tới việc sản xuất phụ tùng.
Bạn cần quản lý con người, tạo doanh số, quản lý tài khoản, theo dõi tài chính, thúc đẩy sản xuất, và hàng triệu những việc linh tinh khác nữa. Bạn cần phải hiểu về từng ngóc ngách vận hành của doanh nghiệp để có thể đào tạo cho những người khác, thuê những người giỏi nhất và giúp cho đội ngũ của bạn nhìn ra vấn đề.
2. Tìm được người hỗ trợ
Trở thành một doanh nhân là một công việc cực kỳ khó khăn. Làm sao bạn có thể vượt qua những thời khắc nghi ngờ hoặc khó khăn nếu như không có sự hỗ trợ từ những người khác? Người nhà, bạn bè, người hướng dẫn hay đối tác có vai trò quan trọng giúp bạn duy trì sự ổn định tinh thần. Hãy tìm kiếm cho mình những người mà bạn có thể mở lòng và tin tưởng. Sự hướng dẫn và hỗ trợ từ người khác là cực kỳ quan trọng.
3. Thuê những người giỏi hơn bạn
Kinh doanh là một môn thể thao đội nhóm, chứ không phải ban nhạc một thành viên. Việc của bạn là phải tìm ra được những người giỏi nhất, những người có thể làm các khía cạnh khác tốt hơn bạn. Bạn là người khởi xướng, nhưng đội ngũ nhân viên buộc phải cảm nhận được sự đóng góp và tiếng nói của họ trong việc làm nên các sản phẩm, văn hóa công ty cũng như kết quả công việc. Nếu bạn không tin tưởng đội nhóm của mình có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, vậy thì bạn đã kiếm sai người.
4. Chịu khó ra đường
Doanh số chính là mạch máu của mọi công ty. Không duy trì được doanh số ổn định, doanh nghiệp của bạn sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất. Với tư cách là người sở hữu doanh nghiệp, trách nhiệm của bạn chính là đảm bảo công ty của bạn tạo ra được doanh thu. Đặc biệt đối với một công ty mới, doanh số không từ trên trời rơi xuống. Trong những năm đầu tiên mới lập nghiệp, bạn phải chịu khó không ngừng ra đường. Gõ cửa từng nhà. Viết và gửi thư. Xác định đối tượng tiềm năng. Gửi những lời chúc cá nhân. Tham dự mọi sự kiện kết nối phù hợp.
Cuối cùng bạn sẽ liên kết được một đội ngũ bán hàng tận tụy, những nỗ lực marketing không mệt mỏi, và những chiến thuật quảng cáo khác nữa. Thậm chí sau này, bản thân người chủ sở hữu chính là một mảnh ghép thiết yếu của phễu bán hàng. Những khách hàng hay đối tác tiềm năng sẽ muốn tìm hiểu về đội ngũ lãnh đạo trong công ty bạn.
5. Có tầm nhìn nhưng cũng cần lanh lợi
Là chủ sở hữu doanh nghiệp, bạn phải vạch ra tầm nhìn phát triển cho công ty. Bạn phải xác định được thế nào là thành công. Đội ngũ nhân viên không thể nào đạt được một mục tiêu mà bản thân họ không nhận thức được. Khởi đầu với một viễn cảnh trong đầu và một kế hoạch 5 năm để biến những mục tiêu đó thành hiện thực.
Có tầm nhìn, nhưng cũng sẵn sàng thay đổi nếu thị trường biến đổi. Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát điều kiện thị trường, sự cạnh tranh, hay những nhân tố khách quan khác. Đôi khi giả thuyết ban đầu của bạn sẽ không thể thành công được và bạn cần phải có khả năng thích ứng.
6. Không ngừng học tập
Học tập nên là đam mê của bạn. Trong khi những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp có lẽ sẽ không có gì thay đổi nhưng công nghệ, công cụ, khách hàng, kỳ vọng của khách hàng và đối thủ cạnh tranh lại không ngừng thay đổi. Bạn cần phải đón đầu xu thế, chứ không phải để bản thân bị tụt hậu. Còn một việc quan trọng hơn nữa chính là thúc đẩy văn hóa, khuyến khích việc học tập và phát triển bản thân trong công ty của bạn.
7. Tạo nên sự khác biệt
Trong một thế giới tràn ngập thông tin và vô vàn quấy nhiễu, bạn cần phải tạo nên sự khác biệt. Bạn cần phải trở nên đáng nhớ trong mắt người khác. Định vị doanh nghiệp của bạn để mọi trải nghiệm của khách hàng đều trở nên độc đáo và ý nghĩa, từ những email bạn gửi đi, thiết kế website của công ty cho đến văn phòng làm việc.
8. Làm người lãnh đạo, chứ không phải người được lãnh đạo
Điều hành một doanh nghiệp thành công đòi hỏi bạn phải có tính chủ động. Bạn không thể ngồi yên một chỗ và chờ mọi thứ diễn ra. Bạn cần phải là người lãnh đạo thúc đẩy các nhân viên, khách hàng và đối tác. Bạn cần phải lãnh đạo làm sao để người khác không bị choáng ngợp. Hãy cho mọi người quyền được lên tiếng và khuyến khích sự đóng góp, nhưng quyết định cuối cùng là của bạn. Hàng tuần, bạn sẽ phải đưa ra hàng ngàn quyết định. Hãy dứt khoát, thông minh, và sẵn lòng mạo hiểm trong mức độ cho phép.
9. Trở thành một người đáng tin cậy
Tất cả mọi người đều thích một ai đó có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Bạn cần một nhà sản xuất? Tôi biết một người. Bạn cần một luật sư? Tôi biết một người. Mọi người sẽ giới thiệu những ai có năng lực chia sẻ, giúp đỡ và mang lại giá trị. Mặt khác, mọi người sẽ không giới thiệu những người chỉ thường xuyên nhận mà không cho đi.
10. Kết bạn
Cuộc sống của một người doanh nhân có đôi khi sẽ cảm thấy cô đơn. Hãy kết nối với những doanh nhân, giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo khác, càng nhiều càng tốt. Ngoài việc có thể chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và lời khuyên, những mối quan hệ ý nghĩa này còn có thể dẫn tới những cơ hội kinh doanh tiềm năng. Chỉ cần đảm bảo là hãy tập trung vào thiết lập mối quan hệ chứ không phải thiết lập giao dịch.
Tuệ Nhiên (Theo Entrepreneur)
FILI
|