Mẹ đơn thân biến tiền cứu trợ thành doanh nghiệp triệu đô
Sau khi mất việc vào năm 2019, Ellie Diop đã nộp đơn ứng tuyển cho hơn 50 công việc khác nhau và bị... từ chối. Đó là lúc cô nhận ra cô cần sáng tạo hơn để có tiền lo cho các con với vai trò là một bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, sau một năm thất nghiệp, cô không có nhiều tiền để đầu tư vào chi phí khởi nghiệp.
Khi nhận được tấm séc cứu trợ trị giá 1,200 USD vào năm ngoái, Diop đã nhìn thấy cơ hội đầu tư vào bản thân và tận dụng kinh nghiệm kinh doanh, quản lý và tiếp thị để thành lập một công ty huấn luyện.
Ellie Diop
|
Thời đại dịch, cô nhận thấy nhiều người thuộc thế hệ Y đang tìm hiểu cách khởi nghiệp. “Tôi thấy nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nhiều người hướng dẫn kinh doanh là đàn ông, phụ nữ độc thân không có con hoặc phụ nữ đang hẹn hò và không có con. Tôi không thấy ai có thể đưa ra quan điểm giống mình nên tôi quyết định trở thành người đó”.
Nhìn thấy không gian chưa được khai thác đó trên thị trường, vào năm 2020, cô cho ra mắt "Ellie Talks Money", một doanh nghiệp huấn luyện trực tuyến giúp thế hệ Y thành lập doanh nghiệp, xây dựng tín dụng kinh doanh và nhận được tài trợ.
Mười tháng sau, doanh nghiệp của cô tạo ra doanh thu hơn 1 triệu USD.
Và đây là cách Diop biến tấm séc cứu trợ thành doanh nghiệp có doanh thu 7 con số:
Cô sử dụng nó để trang trải chi phí khởi nghiệp
Diop tìm kiếm một mạng xã hội cho phép cô cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp khi cô đã sẵn sàng bán chúng. Sau khi nghiên cứu các lựa chọn khác nhau trong một tháng, cô quyết định tập trung vào Instagram. Trước đây, cô từng giữ vai trò quản lý Instagram và đã biết cách tạo một trang hấp dẫn về mặt hình ảnh với chi phí tương đối thấp.
"Tôi đã tận dụng kinh nghiệm trong thế giới doanh nghiệp để bắt đầu. Tôi biết mình sẽ cần ánh sáng tốt, một trang web và một công cụ để chỉnh sửa hình ảnh và tạo ra sản phẩm đầu tiên", cô nói.
Diop đã chi 170 USD cho hai chiếc đèn vòng để đảm bảo cô có thể tạo ra những bức ảnh hấp dẫn về mặt thị giác. Với nguồn vốn hạn hẹp trong tay, cô quyết định xây dựng trang web theo ý riêng. Cô chi 145 USD để mua tên miền, tạo trang web và chi phí lưu trữ cho năm đầu tiên.
Sau khi nghiên cứu một công cụ giá cả phải chăng để chỉnh sửa và tạo hình ảnh hấp dẫn cho Instagram, Diop mua gói “thành viên chuyên nghiệp” của Canva với giá 120 USD.
Giữ chi phí tiếp thị ở mức thấp
Diop đã chi gần 450 USD để có được thiết bị mình cần. Sau đó, cô quyết định tập trung vào việc cung cấp miễn phí những điều có giá trị để thu hút đối tượng lý tưởng của mình, giúp cô giữ chi phí tiếp thị ở mức thấp.
"Tôi đã dành 45 ngày để lướt qua Instagram mỗi ngày, nghiên cứu, theo dõi các hashtag trước khi thực hiện bài đăng đầu tiên. Điều quan trọng là phải xem ai đang thành công trong lĩnh vực này, phân tích những gì họ đang làm mà có hiệu quả và xác định nhu cầu nào mà họ không đáp ứng được”, Diop nói.
Cô cung cấp miễn phí những nội dung “chất lượng”, và điều này đã thu hút khán giả mục tiêu của cô. Sau đó, với ngân sách 150 USD, cô trả tiền cho những bài đăng trên các trang tiếp cận đối tượng mục tiêu, với chi phí khoảng 25 USD/bài.
Khi đã bắt đầu tạo dựng được một lượng khán giả, Diop phát triển sản phẩm đầu tiên bằng Canva. Không có nhiều tiền để chi cho việc tiếp thị, cô quyết định cung cấp khóa học và dịch vụ miễn phí cho những khách hàng lý tưởng của mình để đổi lấy ý kiến đánh giá của họ.
"Tôi cũng thực hiện các cuộc gọi huấn luyện miễn phí cho mọi người trong hai tuần trước khi tung ra dịch vụ có thu phí. Đó là cách tôi nhận được những lời chứng thực ngay từ đầu", cô nói.
Xuất hiện nhất quán và chân thực
Khi Diop bắt đầu bán sản phẩm đầu tiên, cô xuất hiện trước khán giả gần như mỗi ngày qua Instagram Live. Đó là cơ hội để tiếp thị miễn phí với khán giả. Cô tiếp tục xuất hiện một cách nhất quán.
"Hãy ở trước khán giả của bạn. Khách hàng của bạn phải thích bạn, tin tưởng bạn để họ có thể tiếp tục quay lại. Hãy xuất hiện như chính con người của bạn", cô khuyên.
Nhã Thanh (Theo Business Insider)
FILI
|