Lạm phát: Fed đúng hay sai?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng lên mức 4,2% từ mức 2,6% của tháng trước - mức tăng cao nhất của thước đo lạm phát này trong 13 năm trở lại đây. Đợt tăng giá khá mạnh này được Phó Thống đốc Fed Richard Clarida thừa nhận là “bất ngờ”. Nhưng sau đó đã làm dấy lên đợt tranh luận về liệu Fed có sai hay không với nhận định mức tăng lạm phát tháng 4, dù là ngoài dự đoán, vẫn sẽ chỉ là “tạm thời”.
* Lạm phát tăng tốc, Fed có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đến bao giờ?
* Fed cảnh báo thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh
Phản ứng của các chuyên gia
Trong bản tin của CNBC về diễn biến thị trường sau tin lạm phát tháng 4 của Mỹ được công bố, hơn 1 lần người dẫn chương trình cố tình hỏi có phải việc lợi suất trái phiếu lập tức quay lại trên 1,65% đã cho thấy rằng thị trường tuyên bố với Fed là “chúng tôi không tin các ông nói nữa” hay không, nhiều chuyên gia đã cố tình tránh né khéo léo.
Marko Kolanovic, chiến lược gia phân tích hàng đầu của JP Morgan, người từng được gọi là “kẻ làm thị trường biến động”, cho rằng lợi suất trái phiếu cuối năm nay có thể lên đến 2%, và không phủ nhận câu hỏi “xu thế tăng của lạm phát là có yếu tố dài hạn, không phải hoàn toàn là tạm thời phải không” của người dẫn chương trình.
Đây là một trong những phản ứng của một số chuyên gia phân tích tương đối ôn hòa, họ không nói Fed sai, nhưng ngầm ám chỉ hoặc thẳng thắn chỉ ra rằng trong cấu phần lạm phát tăng lên, không chỉ có những yếu tố tạm thời, còn có yếu tố tăng lạm phát dài hạn.
Gay gắt hơn, một số nhà kinh tế cho rằng Fed đã sai khi tự đặt mình vào thế khó, khẳng định lạm phát tăng là “tạm thời” và không cần tăng lãi suất hay giảm mua trái phiếu. Stanley Druckenmiller, một trong những nhà quản lý quỹ được xếp vào loại sừng sỏ của thị trường Mỹ, đã gọi chính sách của Fed “không thích hợp”, trong khi giám đốc đầu tư của quỹ Bridgewater tin lạm phát sẽ tiếp tục cao trong dự báo của Fed mấy tháng tới.
Tuy nhiên, lạm phát cao hơn dự đoán có đồng nghĩa Fed đã sai trong chính sách tiền tệ hay không lại là vấn đề khác. Jim Cramer, người dẫn chương trình tài chính nổi tiếng của CNBC và cựu giám đốc quỹ đầu tư, bày tỏ không đồng ý với cách nhìn của Stanley Druckenmiller trong việc đánh giá là chính sách tiền tệ của Fed đã sai, nhất là trong việc không tăng lãi suất và không giảm mua trái phiếu.
Bởi nếu nhìn vào con số, Fed có thể đánh giá thấp lạm phát, nhưng vấn đề là phần lạm phát tăng thêm có đủ gây nguy hiểm đến mức tạo ra bất ổn kinh tế và gây tổn hại, dẫn đến tình trạng đình đốn và lạm phát cao trong nền kinh tế hay không.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ bắt đầu mở cửa lại và chờ đón một mùa hè sống động hơn, không ai nghĩ đến khả năng đó. Nếu vậy, mức tăng lạm phát vào cuối năm 3-4% (tức cao hơn mục tiêu năm 2021 từ 50-100%) vẫn không phải là tận thế.
Thậm chí, nếu tỷ lệ lạm phát trên 4% như tháng 4 tiếp tục kéo dài, con số nhiều khả năng vẫn không vượt hơn 6%. Đây là điều đáng lo, nhưng nếu chỉ là tình trạng tạm thời trong vài tháng như Fed dự báo, nó sẽ giảm lại trong năm tới. Nếu vậy không cần phải tăng lãi suất ngay.
Thị trường bình tâm chờ đợi
Ở chiều ngược lại, người ta cũng dễ dàng chỉ ra rằng những vấn đề như chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, giá hàng nông sản, nguyên vật liệu như quặng sắt, thép, xăng, dầu, ngũ cốc sẽ không biến mất chỉ sau 2-3 tháng nữa.
Thị trường dự đoán Fed sẽ thay đổi cách tiếp cận việc mua trái phiếu, hay nói cách khác Fed có thể bàn tới “khóa van” trong cuộc họp tháng 6 hoặc tháng 9 tới.
|
Vì vậy, có những cấu phần của lạm phát có tính dài hạn. Vấn đề là ở chỗ Fed tự “ép mình vào góc” - từ một số nhà bình luận kinh tế đang dùng. Hiện tại không ai biết chắc được lạm phát tăng mạnh tháng 4, thậm chí tháng 5 hay 6 là tạm thời hay dài hạn hơn.
Nhưng Fed đã tự đặt cược uy tín của mình vào tuyên bố lạm phát là tạm thời, các quan chức cao cấp của Fed liên tục trấn an thị trường mỗi khi có tin lạm phát tăng cao hay số liệu kinh tế tốt, phản ánh sức ép lên giá cả sẽ tăng. Nếu lỡ Fed sai, phải thay đổi quan điểm, uy tín của Fed sẽ mất hết. Lúc đó người ta sẽ không còn tin vào cam kết giữ lãi suất như hiện tại đến 2023, hay chuyện tiếp tục mua trái phiếu hỗ trợ thị trường nữa.
Một trong những bất định nữa với thị trường, là Fed có thể phải “thay tướng” trong năm tới khi nhiệm kỳ thứ nhất của ông Powell sắp kết thúc. Nói một cách công bằng, bất kể những chỉ trích gần đây với Fed, không thể phủ nhận ông Powell đã điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong dịch Covid-19.
Nhưng đồng minh Dân chủ của Tổng thống Mỹ vẫn muốn thay thế ông Powell bằng một người “tự do hơn”. Trong cách nhìn của thành phần thiên tả trong quốc hội Mỹ, ông Powell, một người da trắng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của người giàu (ngân hàng đầu tư, quỹ tư nhân), là không đủ “tự do” hay “đại diện cho lợi ích đa dạng trong xã hội”.
Những tranh luận về Fed có đúng hay không cũng ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin vào ông Powell.
Rủi ro có thể thay tướng vào lúc này sẽ làm gia tăng thêm sự ngờ vực của thị trường về khả năng những lãnh đạo Fed hiện tại còn tỉnh táo đến mức nào trong các quyết định khó khăn của mình.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra, nếu Fed có thể linh hoạt hơn trong các phát biểu, như kiểu NHTW Anh, cho rằng lạm phát có thể tăng cao hơn dự đoán, do đó sẽ cần điều chỉnh chính sách bơm tiền theo kiểu “nhấc nhẹ ra khỏi chân ga chứ không phải đạp chân thắng”, tức bơm tiền chậm lại một chút, “siết van nước” một chút, thì đã đơn giản hơn.
Khẳng định chắc nịch tình huống lạm phát cao là tạm thời, Fed đặt mình vào thế “hoặc đúng, hoặc sai” trong bối cảnh không ai biết trước được tương lai.
Nếu Fed sai, uy tín và niềm tin vào cam kết chính sách sẽ mất, thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ có thể sẽ biến động mạnh theo hướng tiêu cực, vì khi đó Fed có thể phải phản ứng bị động và làm trái cam kết, rút thanh khoản trên thị trường về sớm hơn dự đoán.
Những diễn biến vào ngày giao dịch cuối cùng 14-5, cho thấy thị trường đã bình tâm lại và tin tưởng vào Fed hơn, khi lợi suất trái phiếu yếu lại và số liệu bán lẻ không cao như dự đoán, có nghĩa áp lực lạm phát do cầu kéo có thể yếu đi trong tháng tới. Nhưng ở thời điểm này còn quá sớm để dự đoán những gì sẽ diễn ra, khi mùa vui chơi nghỉ hè sắp tới và nhiều hoạt động kinh tế Mỹ đang dần trở lại bình thường.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|