CPI Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2009
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 trong tháng 4/2021, vượt qua mọi dự báo trước đó và thúc đẩy cuộc bàn luận về áp lực lạm phát và thời điểm Fed nâng lãi suất trở lại.
Chỉ số CPI tăng 0.8% so với tháng trước. Đà tăng đến từ hầu hết loại hàng hóa lớn và là một dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ nhu cầu đang cho phép các công ty chuyển phần tăng về chi phí cho khách hàng. Ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0.9% so với tháng 3/2021, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ trong ngày 12/05.
Đà tăng của chỉ số CPI cao gấp đôi so với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Báo cáo này cho thấy đà tăng mạnh về giá xe gắn máy, dịch vụ vận tải và khách sạn khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 bắt đầu tái mở cửa trở lại và hoạt động chiêm chủng cho phép người dân Mỹ tiếp tục hoạt động xã hội và du lịch.
“Ảnh hưởng tạm thời của đại dịch Covid-19 rõ ràng dẫn tới đà tăng đáng kinh ngạc của CPI tổng. Tuy nhiên, đà tăng của lạm phát lõi thật khó mà bỏ qua”, Michael Gapen, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Barclays, cho biết. Bên cạnh hiệu ứng tái mở cửa kinh tế, “đà tăng của CPI lõi còn cho thấy có khả năng lạm phát vẫn còn tăng trong ngắn hạn”.
Sau thông tin trên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh và các chỉ số đo lường về áp lực giá trong tương lai cũng nhảy vọt lên mức đỉnh nhiều năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Fed có thể nâng lãi suất vào cuối năm 2022. Đồng USD tăng cùng nhịp với lợi suất trái phiếu, trong khi chứng khoán Mỹ rớt mạnh.
Chỉ số CPI trong giai đoạn 12 tháng tăng lên 4.2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Điều này là do so sánh với nền thấp của tháng 4/2020 – thời điểm dịch bệnh hoành hành tại Mỹ – và hiệu ứng này có thể tiếp tục ảnh hưởng tới lạm phát tháng 5.
Trước đó, các quan chức Fed và chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là đà tăng tạm thời của lạm phát. Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu áp lực lạm phát có tăng bền vững hay không trong bối cảnh giá hàng hóa bay cao, hàng ngàn tỷ USD kích thích từ Chính phủ và các dấu hiệu về chi phí lao động cao hơn.
“Tôi ngạc nhiên về con số lạm phát tháng 4”, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho biết sau báo cáo. “Hiện có nhu cầu bị dồn nén trong nền kinh tế và có thể cần thêm một khoảng thời gian để nguồn cung bắt kịp nhu cầu”.
Báo cáo công bố ngày 12/05 cũng cho thấy cái nhìn sâu hơn về áp lực giá ngày càng tăng ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tiền lương có tín hiệu đi lên, thách thức về chuỗi cung ứng đang kéo dài thời gian giao hàng và đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao.
Dù phải đối mặt với giá đầu vào cao hơn, nhưng các nhà sản xuất tự tin chuyển một phần chi phí tăng lên vào giá bán vì nhu cầu hiện đang cao. Tuy nhiên, nếu kéo dài, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể dẫn tới khả năng CPI tăng mạnh.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|