Thứ Tư, 12/05/2021 09:10

Các sàn giao dịch Trung Quốc hành động để hạ nhiệt giá quặng sắt và thép

Trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt đà tăng quá nóng của quặng sắt và thép, các sàn giao dịch hàng hóa ở Trung Quốc quyết định siết chặt các hạn mức giao dịch và tăng ký quỹ đối với một số hợp đồng quặng sắt tương lai và tái áp phí giao dịch đối với các hợp đồng thép tương lai.

Tàu hàng vận chuyển quặng sắt ở Úc. Ảnh: Bloomberg

Giá quặng sắt lên mức kỷ lục mới

Hôm 10-5, giá quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng hết biên độ cho phép 10%, lên mức kỷ lục 1.326 nhân dân tệ (206 đô la Mỹ)/tấn. Trên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore, giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 6 cũng tăng 10,3% lên mức kỷ lục 226,25 đô la/tấn.

Trước sự tăng mạnh có dấu hiệu đầu cơ này, DCE cho biết bắt đầu từ ngày 11-5 sẽ siết chặt các hạn chế về số hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tối đa được phép mua bán mỗi ngày đối với mỗi nhà đầu tư đồng thời tăng tỷ lệ ký quỹ đối với các hợp đồng quặng sắt giao cho tháng 6, tháng 9, tháng 10 và tháng 12 của năm 2021 cũng như các hợp đồng giao từ tháng 1 đến tháng 4-2022.

Các hợp đồng kỳ hạn của thanh cốt thép và thép cuộn cán nóng ở Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), đều tăng hết biên độ cho phép 6%, lần lượt lên mức 6.012 nhân dân tệ và 6.335 nhân dân tệ mỗi tấn.

DCE cũng cảnh báo các nhà đầu tư phải kiểm soát các rủi ro trước mức biến động quá mạnh của giá quặng sắt.

Cùng ngày, Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cho biết sẽ tính phí trở lại đối với việc đóng vị thế mua bán đối với các hợp đồng thép cốt và thép cuộn cán nóng tương lai giao cho tháng 10 ở mức 0,01% tổng giá trị giao dịch bắt đầu từ ngày 11-5. Trước đây, mức phí này được hủy bỏ để khuyến khích giao dịch.

“Đà tăng vọt của giá quặng sắt và thép chủ yếu do hoạt động giao dịch mang tính đầu cơ”, nhà phân tích Wu Shiping ở Công ty Tianfeng Futures, nhận định. Wu Shiping cho biết một số nhà máy thép ở Trung Quốc đã dừng mua quặng sắt ở mức giá cao như vậy nhưng giới đầu tư vẫn đang mua bán sôi động trên thị trường quặng sắt giao ngay.

“Hiện tại, các bên tham gia thị trường đang giao dịch các hợp đồng phái sinh của quặng sắt giống như tiền ảo, chứ không phải dựa trên những yếu tố cơ bản”, Atilla Widnell, Giám đốc điều hành Công ty Navigate Commodities, nói.

Giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 6 trên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore tăng 10,3% lên mức kỷ lục 226,25 đôla/tấn trong phiên giao dịch 10-5. Ảnh: Bloomberg

Nguồn cung thắt chặt

Trung Quốc là nước sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới. Đà tăng giá mạnh gần đây của quặng sắt một phần là do các mối lo ngại về nguồn cung. Năm ngoái, hoạt động ở một số mỏ sắt của Tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil), nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, bị gián đoạn do thời tiết ẩm ướt và đại dịch Covid-19

Giờ đây, Vale dự kiến sản xuất 335 triệu tấn quặng sắt trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức 400 triệu tấn theo kế hoạch trước đó.

Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Úc, nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, cũng là một yếu tố khiến giá quặng sắt tăng phi mã. Hôm 6-5, Trung Quốc tuyên bố dừng đối thoại chiến lược kinh tế vô thời hạn với Úc, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đang ngày càng xấu thêm kể từ khi Úc yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 hồi năm ngoái.

Trong khi đó, giá thép được hỗ trợ nhờ nhu cầu mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc cũng như các biện pháp kích thích của những chính phủ khác trên khắp thế giới. Justin Smirk, nhà kinh tế cao cấp ở Ngân hàng Westpac, nói: “Tôi cho rằng thị trường vẫn đang thắt chặt và chúng ta sẽ còn chứng kiến giá thép tăng rất mạnh”.

Tại Trung Quốc, sản lượng thép trong tháng 3 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cắt giảm công suất ở các nhà máy thép gây ô nhiễm.

Chánh Tài

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Malaysia tuyên bố phong tỏa toàn quốc (11/05/2021)

>   WHO xác định biến thể Covid-19 ở Ấn Độ đáng lo ngại toàn cầu (11/05/2021)

>   Tăng gấp đôi trong 1 năm, giá đồng nói lên điều gì về kinh tế toàn cầu? (10/05/2021)

>   Liên minh châu Âu và Ấn Độ nhất trí nối lại đàm phán FTA (09/05/2021)

>   WSJ: Chiến lược né thuế của các nhà sản xuất Trung Quốc (07/05/2021)

>   Fed cảnh báo thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh (07/05/2021)

>   “Sóng thần” Covid ở Ấn Độ có thể đe doạ thế giới như thế nào? (07/05/2021)

>   IMF cảnh báo chiến tranh thương mại nếu không có thoả thuận thuế toàn cầu (07/05/2021)

>   Liệu có khả năng Fed bị thay Chủ tịch? (06/05/2021)

>   Giá cả hàng hóa tăng vọt, thế giới đang bước vào 'siêu chu kỳ'? (06/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật