Giới chuyên gia nói gì sau báo cáo lạm phát gây hoảng loạn của Mỹ?
Fed vẫn cho rằng lạm phát cao là tạm thời, vấn đề là sự "tạm thời" này sẽ kéo dài trong bao lâu?
* CPI Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2009
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Bloomberg.
|
Giá tiêu dùng tăng vọt ở Mỹ trong tháng 4 khiến các chuyên gia kinh tế và cả giới hoạch định chính sách đặt câu hỏi liệu áp lực lạm phát này sẽ kéo dài trong bao lâu. Một số người đặt ra khả năng mức lạm phát cao có thể kéo dài ít nhất vài tháng trước khi lắng xuống.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 3,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nếu so với tháng 3, CPI tăng 0,8%, so với dự báo tăng 0,2%.
Mức tăng cả năm của CPI Mỹ là cao nhất kể từ năm 2008, trong khi mức tăng tháng là cao nhất kể từ năm 2009.
Không tính giá năng lượng và thực phẩm – hai nhóm mặt hàng có mức biến động giá lớn – CPI lõi tháng 4 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,9% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với các mức dự báo tương ứng là tăng 2,3% và 0,3%. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất của CPI lõi ở Mỹ kể từ năm 1981.
Trong vòng 1 năm, giá năng lượng ở Mỹ đã tăng 25%, trong đó giá xăng tăng gần 50% và giá dầu tăng hơn 37%.
Một nguyên nhân khiến CPI tháng 4 của Mỹ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là hiệu ứng cơ sở: CPI tháng 4/2020 của Mỹ rất thấp do một phần lớn nền kinh tế phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Việc so sánh giữa năm nay với năm ngoái sẽ bị bóp méo trong vài tháng do ảnh hưởng của đại dịch.
Vì điều này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đợt tăng giá cả này ở Mỹ chỉ là tạm thời và lạm phát sau đó sẽ giảm về vùng 2% như mục tiêu mà Fed đề ra. Trên cơ sở đó, Fed lặp đi lặp lại quan điểm sẽ không nâng lãi suất hay cắt giảm chương trình mua tài sản cho tới khi lạm phát đạt bình quân khoảng 2% trong một thời gian dài.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Bloomberg.
|
Một câu hỏi lớn đặt ra: sự “tạm thời” này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Độ dài của giai đoạn lạm phát cao sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc Fed chọn thời điểm bắt đầu nâng lãi suất từ khoảng 0-0,25% hiện nay và bắt đầu cắt giảm chương trình 120 tỷ USD mua tài sản mỗi tháng. Giới đầu tư ở Phố Wall và trên toàn cầu đã hoảng loạn trong mấy phiên giao dịch gần đây, cho rằng lạm phát leo thang sẽ dẫn tới việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Ngoài ra, vấn đề lạm phát cũng ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn 2 gói chi tiêu với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD, bởi các nghị sỹ Cộng hoà có thể dựa vào chuyện lạm phát cao để phản đối việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chừng nào lạm phát còn cao, kỳ vọng lạm phát sẽ càng tăng, và Fed sẽ phải chú ý đến vấn đề này nhiều hơn. Đến lúc đó, cuộc trò chuyện sẽ phải thay đổi”, chuyên gia kinh tế Jennifer Lee thuộc BMO Capital Markets phát biểu.
Phát biểu ngày 12/5, Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, nói ông cho rằng biến động giá cả có thể kéo dài đến hết tháng 9.
Tại một diễn đàn do Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ tổ chức, ông Bostic nói rằng sau tháng 9, “chúng ta sẽ biết được điều gì đang đang diễn ra với gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hoá cơ bản, và tất cả những vấn đề này. Bởi vậy, trong 4-5 tháng tới, tôi cho rằng giá cả còn biến động nhiều và khó mà biết được đâu là tín hiệu thực sự”.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng các cố vấn kinh tế của ông Biden dự báo áp lực lạm phát được cho là “tạm thời” này sẽ kéo dài đến hết năm nay.
Theo chuyên gia kinh tế Brett Ryan thuộc Deutsche Bank, Fed sẽ phải đợi đến ít nhất mùa thu năm nay “mới có thể thực sự biết được bình thường mới trông như thế nào”. “Nhìn chung, tôi muốn nói rằng Fed phải đợi ít nhất 6 tháng mới có thể đi đến kết luận sơ bộ về việc lạm phát có tạm thời hay không, và phải đợi khoảng 12 tháng để đưa ra kết luận chắc chắn về chuyện này”.
Trong một báo cáo, hai chuyên gia kinh tế Mỹ Andrew Husby và Yelena Shulyatyeva của Bloomberg Economics nhận định: “Tạm thời không có nghĩa là 1 tháng. Sự thiếu hụt nguồn cung, cộng với tiền kích cầu, và cơ sở so sánh thấp, tất cả đồng nghĩa với việc CPI sẽ tiếp tục tăng nóng trong mùa hè này”.
An Huy
VnEconomy
|