Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tới 50%
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 30% lên 50% với hộ nghèo, từ 25% lên 30% với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% với các đối tượng còn lại…
Theo ý kiến của Bộ tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 134 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo hướng tăng mức hỗ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến: tăng từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến số tiền chi hỗ trợ sẽ tăng dần từng năm, đến năm 2025 dự kiến là 1.167 tỷ đồng và đến năm 2030 là 3.141 tỷ đồng.
Nếu các chính sách trên được thực thi, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến tăng lên khoảng 3,6 triệu người trong năm 2025 và đến năm 2030 dự kiến là 8,9 triệu người.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm qua, từ khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh. Cụ thể năm 2019, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 558.109 người, tăng 103,1% so với năm 2018 (277.190 người).
Đến năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.128.145 người, tăng 102,1% so với năm 2019. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,28%.
Tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 là 137.663 triệu đồng.
Được biết, sau khi gửi công văn đề xuất lên Bộ tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận được trả lời. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cân đối thu chi ngân sách, vì vậy cần báo cáo Chính phủ sửa một số quy định của pháp luật.
Nhật Dương
VnEconomy
|