Thứ Hai, 26/04/2021 08:53

“Siết” điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần?

Trường hợp điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng thì khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu sẽ không còn nguồn thu nhập, Nhà nước sẽ phải chi trả chính sách trợ cấp xã hội, tạo áp lực cho hệ thống an sinh...

* Rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia cảnh báo gì?

* Lao động nghỉ việc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần tăng đột biến

* Người lao động cần làm gì khi công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một số điều kiện để “siết” quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tới đây quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được điều chỉnh theo hướng tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp.

Trừ những trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Lao động trong một doanh nghiệp dệt may. Ảnh - Mạnh Dũng.

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói rằng, thực tế tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có quy định để hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần chứ không phải bây giờ vấn đề này mới được bàn đến. Tuy nhiên, thời điểm đó do người lao động chưa hiểu rõ chính sách nên đã phản ứng khiến Quốc hội phải ban hành nghị quyết dừng thi hành.

“Rõ ràng là bảo hiểm hưu trí nên đóng khi còn sức, có thu nhập để sau này nếu không còn khả năng lao động thì được hưởng. Bây giờ mà hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không đúng mục đích của chính sách an sinh. Nói như vậy không có nghĩa là không cho nhận bảo hiểm xã hội một lần, mà nên hạn chế, trừ một số trường hợp đặc biệt trong điều 60 như mắc bệnh hiểm nghèo, đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng hoặc ra nước ngoài định cư…”, ông Huân phân tích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, đề xuất thắt chặt hơn một số điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần thực chất là quay lại thực hiện điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Bởi vì, nếu điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng thì sau này khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu họ sẽ không còn nguồn thu nhập, lúc đó Nhà nước sẽ phải chi trả chính sách trợ cấp xã hội, tạo thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh.

Đồng quan điểm, nguyên Viện trưởng Khoa học-  Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cảnh báo với việc siết chặt hơn điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi tình huống người lao động lại phản đối.

“Tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta phải kiên quyết hơn, bảo hiểm hưu trí không nên cứ đóng rồi lại rút ra như vậy. Rõ ràng chính sách bảo hiểm xã hội đang ngày càng được điện tử hóa, minh bạch hơn, không như trước kia cứ đóng vào mà không biết số tiền đó được quản lý thế nào”, bà Hương nói và cho rằng, đây là những căn cứ để giúp người lao động yên tâm tham gia và ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội.

Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, do quy định hiện hành về số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội 20 năm còn cao, gây khó khăn cho người lao động nếu muốn hưởng mức lương hưu tối thiểu.

Điều này dẫn đến tình trạng người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu còn khá lớn, tức là tỷ lệ người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần cao.

Vị chuyên gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, dù chế độ chính sách có sửa lại, thời gian tới số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu có thể sẽ giảm, các quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được thắt chặt hơn song người lao động có thể yên tâm quyền lợi vẫn được đảm bảo.

“Người lao động cũng cần tránh nôn nóng dừng việc tham gia bảo hiểm xã hội sớm để được hưởng lương hưu một lần mà nên bình tĩnh, tin tưởng các chính sách sẽ bảo vệ quyền lợi tốt hơn, an sinh bền chặt hơn”, ông Quảng lưu ý.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu Hằng

Vneconomy

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ PVI: 2 tờ trình không được thông qua (28/04/2021)

>   Bảo hiểm nhân thọ 'ép' khách hàng: Hoa hồng 'khủng' (24/04/2021)

>   TP.HCM: Kiến nghị xử lý hình sự 82 đơn vị trốn đóng BHXH (23/04/2021)

>   Bảo hiểm nhân thọ 'ép' khách hàng (23/04/2021)

>   Hợp đồng bảo hiểm lắt léo, khó hiểu (23/04/2021)

>   Rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia cảnh báo gì? (22/04/2021)

>   Ủng hộ rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (22/04/2021)

>   Đề xuất đóng BHXH 10 - 15 năm có thể được nhận lương hưu (20/04/2021)

>   Lao động nghỉ việc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần tăng đột biến (19/04/2021)

>   Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 10 năm để hưởng lương hưu (19/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật