Hợp đồng bảo hiểm lắt léo, khó hiểu
Hợp đồng bảo hiểm thường dày đến 100 trang trở lên, sử dụng nhiều từ chuyên môn, kỹ thuật nên rất khó hiểu.
* Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán hợp đồng nhận được hơn 36 triệu
* Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán hợp đồng nhận được hơn 36 triệu: Prudential cho biết đã tư vấn đúng
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầy lắt léo khiến khách hàng dễ gặp rủi ro trong quá trình tham gia. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Hầu hết khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) chủ yếu nghe và tin vào lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm (BH) hay nhân viên ngân hàng bởi các hợp đồng này thường dày đến 100 trang trở lên, sử dụng nhiều từ chuyên môn, kỹ thuật nên rất khó hiểu. Chưa kể, khách hàng chỉ được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký mua nên hầu như không có thời gian nghiên cứu trước về toàn bộ chi tiết được nêu trong đó.
Ví dụ hợp đồng BH “An phát trọn đời” của Bảo Việt Life đưa ra các quyền lợi cơ bản như quyền lợi đáo hạn “bằng toàn bộ Giá trị tài khoản hợp đồng khi người được BH sống đến độ tuổi được lựa chọn để nhận Quyền lợi đáo hạn”, trong khi trang đầu tiên của hợp đồng ghi Lựa chọn nhận Quyền lợi đáo hạn tại tuổi 100? Tương tự, một hợp đồng khác của Manulife ghi thời gian hiệu lực là năm 2018 và thời gian đáo hạn hợp đồng là 2084, tức thời hạn hợp đồng 66 năm và cũng là năm khách hàng tròn 99 tuổi. Những điều quy định đó rất khó hiểu trong khi khách hàng chỉ tham gia mua BH thời hạn 12 năm...
Đặc biệt, bảng mô tả quyền lợi của sản phẩm chỉ được đính kèm ở những trang cuối cùng của hợp đồng mà nếu nhân viên tư vấn không nói thì các khách hàng hầu như rất ít xem đến. Trong khi đây mới là phần chính để khách hàng hiểu được nếu ngưng đóng phí giữa chừng thì rủi ro sẽ mất hết toàn bộ số phí đã đóng trước đó (nếu như chỉ mới đóng 2, 3 năm tùy theo thời gian được giá trị hoàn lại của mỗi loại hợp đồng). Hoặc khách hàng chỉ nhận lại một số tiền nhưng chỉ bằng 20 - 30% số phí đã đóng. Thử tham khảo hợp đồng của Dai-ichi Việt Nam mà khách hàng L.D đã mua, nếu khách hàng đóng phí BH chính sau 3 năm có trị giá 407 triệu đồng thì giá trị hoàn lại là 70,2 triệu đồng, chỉ bằng 17%. Nếu khách hàng đóng đủ 7 năm theo thời gian của hợp đồng với tổng số tiền gần 950 triệu đồng thì giá trị hoàn lại lúc này cũng chỉ bằng 60%, là 576 triệu đồng. Nếu khách hàng này muốn nhận lại đủ số tiền mình đã tham gia BHNT thì phải tiếp tục để lên đến 11 năm.
Tương tự, hợp đồng BHNT “Pru - Khởi đầu linh hoạt” của chị T.T.N tại Prudential Việt Nam cũng chỉ được nhận giá trị hoàn lại sau 2 năm đã đóng hơn 121 triệu đồng và nhận về được đảm bảo gần 35 triệu đồng, tương đương 30%; đóng đủ thời hạn 10 năm với tổng số tiền lên gần 606 triệu đồng thì giá trị hoàn lại sẽ là 450 triệu đồng, chỉ bằng 74% và phải để tiếp tục đến hết 15 năm thì chị T.T.N mới có thể nhận lại đủ số tiền đã đóng.
Khi khách hàng thắc mắc tại sao đóng tiền 10 năm nhưng đến 15 năm mới nhận lại được đủ tiền thì nhân viên tư vấn cho hay khách hàng phải chấp nhận thanh toán cho phí BH, phí quản lý hợp đồng nên sẽ không hoàn lại đủ 100%. Chỉ sau thời gian hợp đồng khách hàng tiếp tục để lại tiền cho công ty BH để hưởng bảo tức sinh lời thì số tiền mới tăng lên tương ứng. Thậm chí, một số công ty BH cũng đưa ra chính sách khá lạ đời là nếu đóng phí 1 lần/năm thì số tiền đóng thấp hơn nếu chia ra theo quý và giải thích đó là “phí quản lý” (?). Ngoài ra, các hợp đồng BHNT quy định khá nhiều mức phí khác nhau nhưng nhân viên tư vấn cũng không bao giờ giải thích đầy đủ cho khách hàng gồm phí BH rủi ro, phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí rút trước và phí dịch vụ, phí kiểm tra sức khỏe, phí đánh giá rủi ro và phát hành hợp đồng, phí BH rủi ro tăng cường, phí quản lý quỹ. Những mức phí này cũng sẽ liên quan đến giá trị hoàn lại rất thấp mà khách hàng nhận được nếu ngưng hợp đồng trước hạn...
Đó là lý do khách hàng chỉ khi có sự cố, muốn ngưng hợp đồng BH mới ngã ngửa vì thiệt hại quá lớn.
M.P - T.X
Thanh niên
|